Trải qua 30 năm kể từ Đổi mới, cùng với những thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuôn mẫu hôn nhân ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù thiết chế hôn nhân còn khá bền vững ở Việt Nam những cũng đã xuất hiện những xu hướng mới trong các loại hình hôn nhân và lựa chọn cuộc sống riêng như sống chung không kết hôn, không muốn kết hôn, bà mẹ đơn thân…, và vì thế tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời cũng thay đổi theo hướng gắn nhiều hơn với các đặc điểm cá nhân thay vì đặc điểm của gia đình…
Cùng với sự thay đổi của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, khuôn mẫu hôn nhân chắc chắn sẽ còn nhiều biến động, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiều hình thức hôn nhân mới cần được nghiên cứu, vai trò của một số yếu tố hiện đại và hội nhập quốc tế cần được lý giải sâu hơn. Ngoài ra, trong thực tế các nghiên cứu về hôn nhân ở Việt Nam mới tập trung vào giai đoạn sự hình thành hôn nhân, còn sự trải nghiệm hôn nhân hay chất lượng đời sống hôn nhân hầu như chưa được nghiên cứu một cách đúng mức trong thời gian vừa qua, trong khi đó, đây là những vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc như mục tiêu đề ra của các kỳ Đại hội Đảng. Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay chưa có nhiều phân tích về các hình thái hôn nhân ở vùng miền Trung và miền Nam.
Để tìm hiểu sâu hơn về những hình thức hôn nhân mới cũng như sự trải nghiệm hôn nhân ở Việt Nam, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Kết hôn và trải nghiệm hôn nhân ở Việt Nam” do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng” do Chủ biên cuốn sách là Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 4 phần với 10 chương:
Phần 1. Những vấn đề chung
Phần này bao gồm 2 chương, tập trung trình bày về cơ sở lý thuyết, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu cùng một số đặc điểm chung về hôn nhân ở Việt Nam. Cùng với việc áp dụng cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận lịch sử và tiếp cận hệ thống, nhóm tác giả đã vận dụng khung phân tích xã hội học của Dixon, thuyết hiện đại hóa, tiếp cận chu trình cuộc sống, quan điểm văn hóa và chính sách trong công trình nghiên cứu này. Trên cơ sở thông tin thứ cấp từ các điều tra quốc gia và khảo sát bằng bảng hỏi định lượng 1.891 đại diện hộ gia đình, 72 phỏng vấn sâu và 27 thảo luận nhóm từ 7 tỉnh /thành phố trực thuộc trung ương và Việt Nam, các tác giả đã cung cấp một bức tranh chung về đặc điểm khuôn mẫu hôn nhân ở Việt Nam: (i) Tình trạng hôn nhân; (ii) Vấn đề đăng ký kết hôn; (iii) Hôn nhân cận huyết; (iv) Hôn nhân với người nước ngoài. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù thiết chế hôn nhân còn khá bền vững và phổ biến ở Việt Nam nhưng tỷ lệ người có cuộc sống độc thân đã tăng lên trong một bộ phận dân cư, nhất là nữ. Tỷ lệ ly hôn và ly thân có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2009-2016 trong đó tỷ lệ này đối với nữ luôn cao hơn so với nam giới và người dân ở vực thành thị cao hơn so với nông thôn. Tình trạng không đăng ký kết hôn xuất hiện nhiều ở những người có trình độ học vấn thấp, nhóm nghèo, người dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, phong tục tập quán lạc hậu, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật…
Phần 2. Kết hôn
Phần này bao gồm 3 chương, tập trung trình bày kết quả phân tích về quá trình hình thành hôn nhân, từ việc tìm hiểu, lựa chọn bạn đời, đến quyết định kết hôn và sắp xếp nơi ở sau khi kết hôn. Các tác giả cho rằng, mặc dù hôn nhân là một việc hệ trọng, mang tính quy luật của đời người nhưng cũng có sự khác nhau nhất định giữa các giai đoạn lịch sử, giữa các thế hệ hoặc mang những đặc trưng vùng miền. Ở lớp trẻ, có thể có sự khác biệt hoặc yếu tố nổi trội này hay khác, nhưng vai trò của gia đình/cha mẹ với mỗi cuộc hôn nhân là không mất đi, nó chỉ biến đổi ở hình thái trực tiếp sang gián tiếp, từ sự can thiệp mạnh mẽ sang sự tôn trọng và định hướng thông quá quá trình giáo dục gia đình. Nhóm nghiên cứu nhận thấy có một xu hướng chung là tăng tuổi kết hôn lần đầu ở Việt Nam, tuy nhiên có sự khác biệt tương đối giữa nam và nữ, tỷ lệ kết hôn tuổi vị thành niên cũng giảm đi xong vẫn còn một bộ phận người dân kết hôn trước tuổi luật định, kể cả trong thời gian gần đây. Do tác động đan xen của các yếu tố hiện đại hóa, chính sách nhà nước, và chiến tranh đối với sự biến đổi tuổi kết hôn của dân cư, sẽ ít khả năng có sự tăng nhanh tuổi kết hôn ở Việt Nam trong vài thập niên tới. Đề cập tới vấn đề sắp xếp nơi ở sau hôn nhân, nhóm tác giả làm rõ một số nội dung sau: (i) Các loại hình sắp xếp nơi ở ngay sau khi kết hôn; (ii) Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sống chung với gia đình nhà chồng; (iii) Thời gian sống chung với nhà chồng và các yếu tố ảnh hưởng; (iv) Các loại hình sắp xếp nơi ở hiện tại của gia đình.
Phần 3. Trải nghiệm đời sống hôn nhân
Phần này có 3 chương, tập trung mô tả những chiều cạnh khác nhau trong mối quan hệ hôn nhân, thể hiện qua các hoạt động chung của vợ và chồng, sự tương tác, thể hiện tình cảm, mâu thuẫn và xung đột trong đời sống hôn nhân và tình cảm vợ chồng. Nghiên cứu khẳng định, phần lớn các cuộc hôn nhân đều gặp khó khăn trong 5 năm đầu sau kết hôn và khó khăn chính là kinh tế và vấn đề khó khăn thay đổi rất ít theo độ dài hôn nhân. 1/3 các gia đình hiện nay vẫn phải đối diện với khó khăn về kinh tế. Nhìn chung, phụ nữ dường như trải qua sự không hài lòng với người bạn đời của mình nhiều hơn so với nam giới trên hầu hết các khía cạnh của đời sống hôn nhân. Mặc dù bất đồng là điều khó tránh khỏi trong hôn nhân nhưng những cách thức phổ biến trong giải quyết bất đồng của những người vợ, người chồng ở Việt Nam hiện nay đều có xu hướng thiên về giảm bớt sự căng thẳng giữa hai vợ chồng khi có bất đồng và hướng tới việc duy trì sự bền vững của hôn nhân. Có sự khác biệt giữa nam và nữ khi đề cập tới cách thức giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, không có một xu hướng giải quyết bất đồng nào đặc trưng riêng cho mỗi giới như ở trong một số nghiên cứu khác trên thế giới. Đề cập tới những khó khăn, bất đồng và xung đột trong đời sống hôn nhân ở Việt Nam hiện nay, các tác giả cho rằng, sự xung đột này chủ yếu thể hiện qua cãi vã, chửi mắng. Còn hiện tượng chồng đánh vợ, vợ đánh chồng chiếm tỷ lệ khá nhỏ và có xu hướng giảm xuống so vối giai đoạn 5 năm trước đây. Lý giải hiện tượng này là do các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình được triển khai hiệu quả trong thời gian qua…
Phần 4. Chất lượng hôn nhân hiện nay ở Việt Nam
Phần này bao gồm 2 chương, tập trung làm rõ hai nội dung chính sau: (i) Mô tả sự hài lòng hôn nhân như một chỉ báo của chất lượng hôn nhân, đánh giá tổng thể về hôn nhân cũng như một số mặt của đời sống hôn nhân. Đồng thời, nghiên cứu tìm hiểu vai trò của sự hài lòng của các mặt đối với sự hài lòng hôn nhân trong tổng thể; (ii) Dựa trên những kết quả nghiên cứu mới, làm rõ đặc điểm hạnh phúc hôn nhân của các gia đình Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau và các yếu tố có liên quan. Qua khảo sát và điều tra xã hội học, nhóm nghiên cứu khẳng định các cặp vợ chồng càng hiểu rõ về nhau lúc cưới sẽ càng cảm nhận về hạnh phúc nhiều hơn ở những giai đoạn tiếp theo của cuộc sống. Khoảng cách tuổi vợ chồng không ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc tại các thời điểm trong cuộc sống. Kết quả phân tích đưa ra phát hiện thú vị về mối quan hệ giữa quyền quyết định hôn nhân với cảm nhận hạnh phúc. Điều kiện quan trọng đảm bảo hôn nhân hạnh phúc là “kinh tế ổn định”, đặc biệt với nhóm dân tộc Ê – đê, vì vậy chăm lo cho điều kiện kinh tế là rất quan trọng đối với việc duy trì hạnh phúc hôn nhân. Nhìn chung, sự lựa chọn các hành động tạo nên hạnh phúc và các điều kiện quan trọng đảm bảo hạnh phúc và tương đối thống nhất giữa các nhóm. Tuy nhiên những phát hiện cũng gợi ra rằng, mỗi nhóm xã hội đều đã manh nha những sắc thái riêng gắng liền với những điều kiện cụ thể cũng như những biến cố của chính nó.
Kết luận vấn đề nghiên cứu, các tác giả nhấn mạnh rằng trong khoảng gần 3 thập kỷ qua, khuôn mẫu hình thành và trải nghiệm hôn nhân ở Việt Nam đã có sự biến đổi mạnh mẽ dưới tác động của các yếu tố hiện đại hóa, các chính sách của nhà nước trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa cũng có những tác động đáng kể đến khuôn mẫu hôn nhân và gia đình. Liên quan đến các giải pháp chính sách cụ thể củng cố sự bền vững quan hệ hôn nhân, nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 nội dung yếu sau: Thứ nhất, giáo dục trước hôn nhân; Thứ hai, phát triển các dịch vụ tư vấn về quan hệ vợ chồng; Thứ ba, hỗ trợ ổn định kinh tế gia đình
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết của tập thể tác giả. Cho đến nay, chủ đề hôn nhân và gia đình mặc dù được nhiều học giả nghiên cứu, xong với những lý lẽ mang tính thuyết phục và logic để luận giải vấn đề kết hôn và trải nghiệm hôn nhân ở Việt Nam chi tiết như cuốn sách này thì không phải dễ dàng tìm kiếm ở bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. Để có kết quả này, ngoài sự nỗ lực, sử dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu đa ngành, liên ngành, nhóm tác giả đã nhận được sự hỗ trợ của các gia đình trả lời phỏng vấn, các cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở 7 tỉnh khảo sát cho công trình nghiên cứu của mình: Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nam Định, Yên Bái và Đắk Lắk.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng