Khảo cổ học tiền sử Nghệ An

Khảo cổ học tiền sử Nghệ An

28/09/2022

Khảo cổ học tiền sử Nghệ An

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử ; PGS.TS. Phan Thanh Toàn ;

Viện Khảo cổ học ; Nhà xuất bản Khoa học xã hội ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ;

2021

61 P. Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

545

Khảo cổ học, Tiền sử, Nghệ An

Cuốn sách Khảo cổ học tiền sử Nghệ An của hai tác giả PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử và Phan Thanh Toàn mà bạn đọc quan tâm là kết quả của đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu hệ thống các di tích hang động ở miền núi biên giới tỉnh Nghệ An” được thực hiện trong năm 2015-2016. Đây là công trình được nghiệm thu xuất sắc với những đánh giá cao về công tác điền dã, phát hiện và nhận định mới có giá trị về công tác khảo cổ tại điện bàn Nghệ An.

Ấn phẩm được nhà Xuất bản khoa học xã hội phát hành vào tháng 6/2021 với độ dày 545 trang. Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách bao gồm các chương như sau:

Chương 1: Tổng quan tư liệu, phần này nhấn mạnh những đặc điểm địa hình đồng bằng ven biển và vùng núi Nghệ An, nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của chúng đến quy luật phân bố các di tích khảo cổ tiền sử: sự hình thành và phát triển đồng bằng ven biển Nghệ An gắn liền với hoạt động sông biển, sự dao động mực nước qua các đợt biển tiến, biển thoái Holocene trung, những nhân tố địa văn hóa tạo thành các di tích cồn sò điệp trong các vùng biển cổ Quỳnh Lưu và sự tương thích của con người với môi trường đồng bằng nhỏ hẹp ở Nghệ An.

Qua đó, độc giả được biêt đến Nghệ An là vùng đất có địa hình và thời tiết khắc nghiệt, có nhiều biến động địa chất bất lợi với những dẫy đá vôi, nhiều thung lũng và hang động Karst. Ở đó các di tích văn hóa của cư dân thời đại Đá cũ cho đến Đá mới, Kim khí kế tiếp nhau với các mảng màu đậm, nhạt khác nhau. Tiếp đến là vùng núi trung du Nghệ An với đồi gò thấp, bạc màu có ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tiền sử, nhất là giai đoạn Đá cũ…

Sau năm 1945 khảo cổ học tiền sử Nghệ An đã có nhiều phát hiện khai quật quan trọng, tìm hiểu về các di tích văn hóa như Quỳnh Văn, Văn hóa Bàu Tró, khai quật cổ sinh hóa thạch ở Thẩm Ồm, di tích văn hóa ngoài trời ở Làng Vạc, văn hóa Hòa Bình hang động như Thẩm Hoi (Con Cuông), Hang Chùa (Tân Kỳ) và hang Đồng Trương (Anh Sơn)… những tư liệu thu được đã trở thành nguồn sử liệu phác dựng được bức tranh văn hóa tiền sử Nghệ An.

Chương 2: Các cộng đồng cư dân thời đại đá cũ

Với việc thông tin về các di tích thời đại Đá cũ; Đặc trưng văn hóa và niên đại; Phác thảo lịch sử văn hóa cư dân, nhóm tác giả cho rằng sự hiện diện của các di tích hiện đại sớm và muộn cùng các dấu tích văn hóa của họ ở vùng núi Nghệ An thực sự là một biên niên sử nguyên vẹn, nổi bật về sự biến đổi môi trường và những thích ứng của con người với tự nhiên.

Các bằng chứng khảo cổ học thời đại Đá cũ ở miền núi Nghệ An đã cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về các môi trường đã mất, lịch sử tiến hóa và tính đa dạng, cũng như việc con người đã thích ứng như thế nào với điều kiện sau giai đoạn băng hà cuối cùng. Những phát hiện rõ ràng về đặc điểm thực vật và động vật xưa cùng các mối liên quan gần gũi với các chứng cứ khảo cổ học và môi trường cổ như vậy là không phổ biến ở Đông Nam Á và trong trường hợp này Nghệ An, vùng núi Nghệ An có thể xem như là chuỗi điển hình trong khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Cùng với núi Đá vôi, Nghệ An cũng là một trong số ít nơi các di tích có địa tầng dầy, nguyên vẹn. Do vậy, tiềm năng khảo cổ học hang động ở Nghệ An là rất lớn, xứng đáng là kho tư liệu vô giá của đất nước.

Chương 3: Cộng đồng cư dân sơ kỳ đá mới

Thông qua các vấn đề như: Các di tích sơ kỳ Đá mới; Đặc trưng văn hóa và niên đại; lịch sử văn hóa cư dân. Nhóm tác giả đã đưa ra những nhận định sau: các di tích Đá mới ở Nghệ An là bộ phận không thể tách rời thời đại Đá mới Bắc Trung Bộ Việt Nam; Lịch sử Việt Nam giai đoạn văn hóa Hòa Bình được xem là giai đoạn bản lề, giai đoạn chuyển tiếp từ Cánh tân sang Toàn tân, từ Đá cũ sang Đá mới. từ săn bắt thu hái độc tôn sang sản xuất nông nghiệp sơ khai.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân văn hóa Hòa Bình nói chung, vùng núi Nghệ An nói riêng đã để lại cho nhân loại những giá trị di sản văn hóa nổi bật về sự tương thích của con người với sự biến động khắc nghiệt của môi trường vào giai đoạn cuối cùng của băng hà. Sự tương thích đó được thể hiện sinh động ở mô thức cư trú, khai thác thức ăn, hành vi và kĩ thuật chế tác công cụ.

Sự đa dạng văn hóa và truyền thống cư trú trong hang động, mái đá, chế tác công cụ cuội, thu lượm các loài nhuyễn thể trong môi trường nhiệt đới gió mùa nằm sâu trong lục địa xứng đáng là một ví dụ nổi bật về di sản văn hóa, một cơ tầng rất quan trọng trong thời tiểu sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Chương 4: Cộng đồng cư dân trung kỳ đá mới

Thông qua nghiên cứu các di tích trung kỳ Đá mới; Lịch sử văn hóa dân cư, nhóm tác giả cho rằng các cộng đồng cư dân trung kỳ Đá mới vùng đồng bằng ven biển Nghệ An được xác lập là Văn hóa Quỳnh Văn. Dưới tác động của đợt biển tiến Holocene trung, cư dân Văn hóa Quỳnh Văn từng bước thích nghi với cảnh quan môi trường mới, định hướng các hoạt động kinh tế biển. Thành tựu đáng kể của nhóm Văn hóa Quỳnh Văn là phát minh ra đồ gốm đáy nhọn và sáng tạo ra loại hình công cụ đặc thù của mình, thích ứng với môi trường vùng biển nông.

Bên cạnh đó, sự phát triển nội tại của cộng đồng cư dân trung kỳ Đá mới Nghệ An được xem là bước đệm quan trọng cho sự phát triển tiếp nối sang hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí trên lãnh thổ Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trong đó, rõ nét nhất là bước chuyển văn hóa Quỳnh Văn sang Văn hóa Bàu Tró, thông qua loại hình Văn hóa Thạch Lạc, diễn trình lịch sử văn hóa Đá mới Nghệ An giai đoạn từ 6.000 năm đến 4.000 năm BP là đa dạng, đa hướng mà điểm xuất phát chung là cơ tầng văn hóa Hòa Bình ở Bắc Việt Nam.

Chương 5: Các cộng đồng cư dân hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí

Qua nghiên cứu về các di tích hậu kỳ Đá mới - sơ kì Kim khí và lịch sử văn hóa cư dân, nhóm tác giả cho rằng văn hóa tiền sử vùng núi, trung du và vùng đồng bằng ven biển Nghệ An là thành tố cơ bản của tiền sử Bắc Trung Bộ Việt Nam, có vị trí quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển văn hóa, văn minh thời đại Kim Khí vùng sông Lam.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí Nghệ An đã để lại cho nhân loại những giá trị di sản văn hóa nổi bật về sự tương thích của con người với sự biến động khắc nghiệt của môi trường vùng thượng lưu sông Cả. Sự thích ứng đó được thể hiện rõ nhất ở mô thức cư trú, chiến lược khai thác thức ăn, hành vi và kỹ thuật chế tác công cụ, đặc biệt là các bước tiến nhảy vọt về luyện kim, chế tác kim loại, nông nghiệp trồng lúa, xác lập một dạng hình Văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Lam, đưa vùng đất này trở thành một trong những trung tâm Văn hóa Đông Sơn, cơ tầng của quốc gia Văn Lang Âu Lạc.

Chương 6: Diễn trình văn hóa tiền sử Nghệ An trong bối cảnh rộng hơn

Qua nghiên cứu về người hiện đại và văn hóa Đá cũ; Diễn trình văn hóa tiền sử Nghệ An; Khắc đá hang động vùng núi Nghệ An, nhóm tác giả kết luận sự đa đạng văn hóa và tập tính, truyền thống của cư dân tiền sử Nghệ An từ cư trú hang động, khai thác thung lũng đá vôi đến ven sông Lam, rồi tiến ra khai phá đồng bằng ven biển cho thấy một diễn trình lịch sử văn hóa vùng đất này đầy thách thức trước những biến động phức tạp của tự nhiên. Trong diễn trình ấy, cư dân tiền sử Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng minh chứng cho bước tiến vững chắc vào văn minh.

Nghệ An cũng là nơi duy nhất còn bảo lưu nguyên vẹn những hình khắc đá cổ trong hang động. Các di tích khắc đá cổ ở Nghệ An là sự kết tinh ở đỉnh cao kỹ thuật chạm khắc đá,, tư duy, cảm nghĩ của con người cổ nơi đây, là nguồn sử liệu khách quan, trung thực về hoạt động vật chất và tinh thần của con người cũng như góp phần tìm hiểu lịch sử mỹ thuật tiền sử Việt Nam vốn được xem là còn rất ít tư liệu.

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà