Tháng 9 đọc Thần Khúc để nhớ về đại thi hào Đantê (1265 – 1321) và hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Ý

Tháng 9 đọc Thần Khúc để nhớ về đại thi hào Đantê (1265 – 1321) và hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Ý

05/09/2022

Tháng 9 đọc Thần Khúc để nhớ về đại thi hào Đantê (1265 – 1321) và hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Ý

Đantê Alighiêri ;

Nhà xuất bản Khoa học xã hội ;

2021

26 Lý Thường Kiệt

459

Thần khúc là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà thơ kiệt xuất Đantê. Tác phẩm được đánh giá là bộ Bách khoa toàn thư về đời sống, một bảo tàng về vẻ đẹp của văn hóa và ngôn ngữ Italia, cũng là đại diện vĩ đại nhất của văn học trung cổ  thế giới.

Thần khúc được coi là trường ca quan trọng nhất của nước Ý, tác phẩm đóng vai trò quan trọng với bản sắc văn hóa Ý giống như Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam.

Mở đầu cuốn sách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, Ngài Antonio Alessandro đã dành nhiều lời cảm ơn sâu sắc gửi tới cố GS.TS. Nguyễn Văn Hoàn (Phó Viện trưởng Viện Văn học) vì những đóng góp to lớn của ông trong việc dịch lại tác phẩm kinh điển này sang tiếng Việt. Đồng thời Ngài Đại sứ cũng dành lời cảm ơn trân trọng nhất gửi tới Nhà xuất bản Khoa học xã hội vì đã xuất bản ấn phẩm tuyệt vời này, cảm ơn bà Trần Hồng Hạnh và ông Trần Thanh Quyết vì có bài luận về tiếp nhận Đantê Alighiêri ở Việt Nam và về cách mà tác phẩm Thần khúc vẫn tiếp tục khiến người đọc ở cả Việt Nam và Ý luôn bất ngờ và say mê khi tiếp cận tác phẩm này. Ngài Đại sứ cho rằng đây là những đóng góp rất lớn của các tổ chức, cá nhân cho Chương trình Hành động được ký kết vào tháng 5/2021 giữa hai chính phủ trong khuôn khổ Hợp tác Chiến lược Italia - Việt Nam…

Tại "Lời tựa" chúng ta được biết, sinh thời, GS.TS. Nguyễn Văn Hoàn – người dịch toàn bộ Thần khúc ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Italia (Ý) cho biết: Theo kết quả điều tra khảo sát từ khoảng 150 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nổi tiếng và lâu đời nhất trên thế giới, thì Đantê và Thần khúc vẫn là tác giả, tác phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong nền văn hóa, khoa học và lịch sử Italia. Chính điều này khiến ông quyết tâm dịch trọn vẹn Thần khúc mà phần Địa ngục là bản được ông dịch đầu tiên.

Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn bắt đầu dịch Thần khúc của Đantê từ năm 1980. Khi đó ông vừa là Phó Viện trưởng Viện Văn học đồng thời là giảng viên, phụ trách giáo trình Văn học Italia tại Khoa Văn học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xuất phát từ nhu cầu của bài giảng phải đưa ra những dẫn chứng cần trích dẫn cho sinh viên, ông bắt đầu dịch từng đoạn của Thần khúc sang tiếng Việt. Sau đó, tiến lên một bước, ông dịch từng chương quan trọng. Và cuối cùng, toàn bộ Thần khúc từ nguyên bản tiếng Italia được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn hoàn thành việc chuyển ngữ sang tiếng Việt: gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ trong cả ba phần Địa ngụcTĩnh ngục và Thiên đường.

Nội dung và giá trị của Thần khúc

Thần khúc kể lại cuộc du hành kỳ lạ của Đantê sang thế giới bên kia - thế giới của người chết. Nhà thơ Virgile được Beatrice - người yêu thủa thiếu thời của Đantê phái đến làm người hướng dẫn Đantê đi “tham quan” Địa ngục và một phần Tĩnh ngục. Đến đây, Virgile, vì chưa chịu phép rửa tội của đạo Thiên chúa nên không được phép đi tiếp. Beatrice xuất hiện và hướng dẫn Đantê đi xem Thiên đường.

Cuộc viễn du lên Thiên đường, xuống địa ngục đối với văn học cổ phương Đông nói chung, văn học cổ Việt Nam nói riêng không phải là một đề tài xa lạ nhưng chưa có tác phẩm nào tưởng tượng và thiết kế ra được một cảnh Địa ngục, Thiên đường rộng lớn, đa dạng, sinh động như Đantê.

Màu sắc trung cổ in đậm trong Thần khúc được chia thành 3 phần (3 tác phẩm riêng biệt) là: Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường. Mỗi phần 33 khúc, thêm một khúc khai mở là đủ 100 khúc.

Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường lại được chia thành 3 vùng, toàn tác phẩm theo thể thơ Terzina, cứ mỗi khổ thơ gồm 3 câu, các câu lại được móc nối với nhau bằng hệ thống vần ABA, BCA, CDC, DED… giúp người đọc nhận thấy ngay tầm quan trọng của con số 3. Đi sâu vào Thần khúc, chúng ta còn có thể phát hiện ra nhiều dụng ý kì công, lạ lùng khác của Đantê, chẳng hạn từ con số 3, ta có bội số của 3 là 9. Trong cuộc đời mới, Đantê gặp người yêu là Beatrice lần đầu lúc hai người đều lên 9, gặp lần hai 9 năm sau, đúng vào lúc 9 giờ sáng, lúc cả hai vừa còn đôi 9. Trong Thần khúc Đantê đã sắp xếp cho Beatrice xuất hiện lại ở khúc 30 của Tĩnh ngục, nhưng đối với toàn bộ tác phẩm thì đó là khúc 63, còn 36 khúc nữa là kết thúc tác phẩm; 63 và 36 là hai con số đối xứng nhau và đều dựa trên cơ sở con số 3.

Đối với người đọc ngày nay thì các kì công trên đây của Đantê chỉ là sự sắp đặt chủ ý đơn thuần, nhưng đối với quan niệm giáo lý của đạo Thiên Chúa thì 3 là con số hoàn thiện, hoàn mỹ, biểu thị tinh thần tam vị nhất thể, phản ánh trật tự vĩnh hằng của vũ trụ. Chỉ riêng việc Đantê sắp xếp cho sự xuất hiện của Beatrice trong Thần khúc một cách kì công như vậy cũng đủ chứng tỏ đối với Đantê, Beatrice không chỉ là một người yêu bình thường mà còn là người truyền sức mạnh, dẫn dắt Đantê tới chỗ siêu thoát linh hồn.

Ấn tượng về Thần khúc vẫn thường trực trong tâm trí người Ý, ví như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918), ngay giữa lúc trận chiến căng thằng, một người lính pháo binh vẫn ung dung đọc Thần khúc bằng tiếng Ý. Ngày nay, Thần khúc được giảng dạy ở trường học từ trung học đến đại học, người ta thường tổ chức các cuộc thi đọc diễn cảm tác phẩm này hay tại Trung tâm giao lưu văn hóa của thành phố Ravenna, nơi có phần mộ của Đantê, người ta thường xuyên tổ chức giới thiệu bản dịch Thần khúc sang tiếng nước ngoài mới được tái bản…

Không ai đọc Thần khúc mà quên được những trang viết xúc động kể lại mối tình tội lỗi mà đắm say giữa nàng Francesca da Rimini và người em chồng Paolo (Địa ngục, khúc V) hoặc cảnh bi thảm của bá tước Ugolino bị giam trong tháp tù phải tận mắt chứng kiến cảnh từng đứa con lần lượt bị chết lả vì đói (Địa ngục, khúc XXXIII).

Có thể tổng luận rằng Thần khúc là bức tranh hiện thực của xã hội Ý thời Đantê, trong tác phẩm Đantê luôn tỏ ra coi trọng hạnh phúc trần thế, thừa nhận kiếp nhân sinh hiện hữu trước mắt và không hề ảo tưởng ở thế giới mai sau, điều này khác hẳn với nguyên tắc giáo lý đạo Thiên Chúa.

Đantê cũng không giấu giếm thái độ chính trị khi ném các đối thủ của  mình - phái Ghibellini và các vị giáo hoàng, kể cả giáo hoàng Bonifazio đương trị vì xuống các tầng địa ngục sâu nhất (khúc XIX). Trong khi đó, ông lại dành cho đồng minh chính trị của mình - hoàng đế Đức Enrico VII, người mà ông đặt hy vọng vào việc hỗ trợ thống nhất nước Ý - một chỗ vinh dự trên thiên đường.

Quan tâm đến số phận và khát vọng của con người, yêu quê hương, thiên nhiên, đất nước, yêu thổ âm của quê hương và tiếng nói dân tộc, trân trọng di sản thơ ca, Đantê được xem là người báo hiệu cho thời đại phục hưng. Nói theo Engels thì “cuối thời trung cổ phong kiến và buổi đầu của kỷ nguyên tư bản chủ nghĩa hiện đại được đánh dấu bằng một nhân vật vĩ đại, đó là Đantê, một người Ý, vừa là nhà thơ cuối cùng của thời đại trung cổ, vừa là một nhà thơ đầu tiên của thời kỳ hiện đại”. Hay như nhà nghiên cứu văn học người Ý Francesco De Sanctis (1817-1883) viết: “Thần khúc là thời trung cổ được biểu hiện trong nghệ thuật… những điều trông thấy và phúng dụ, văn chính luận và truyền thuyết, sử biên niên, truyện kể, tụng thi, thánh ca, chủ nghĩa thần bí và kinh viện học, tất cả những hình thái văn chương và toàn bộ văn hóa thời đại đã được biểu hiện và tái sinh ở đây, trong cái bí ấn vĩ đại của tâm hồn và của cả nhân loại, một tác phẩm cỡ thế giới, ở đó phản chiếu mọi dân tộc, mọi thế kỷ, được gọi là thời trung cổ”.

Có thể thấy, người ta đã dùng những định ngữ vẻ vang nhất để tôn vinh Đantê: coi Thần khúc là kinh thánh của thời trung cổ, Đantê là Homère của Ý. Nếu như Italia là nước tư bản đầu tiên của Châu Âu trung cổ thì ở đây là quá trình hình thành dân tộc Ý lại diễn ra một cách quá chậm chạp. Nói như Alexandre Dumas (1802-1870): Thượng đế chỉ cần 6 ngày để sáng tạo ra cả thế giới, còn Ý cần đến 6 thế kỉ để tự sáng tạo”. Thật vậy, mãi đến năm 1861, đất nước này mới đạt được sự thống nhất quốc gia trong việc vương quốc Ý chính thức được thành lập. Đặc điểm lịch sử riêng độc đáo này của tiến trình phát triển xã hội Italia càng làm nổi bật sự vĩ đại của Đantê và khẳng định Thần khúc ra đời là sự bắt đầu của một nền văn học dân tộc khi chính dân tộc đó vẫn chưa hoàn thành việc phát triển thành môt thể chế quốc gia thống nhất. Thần khúc, cùng với những thành tựu sáng tạo của Đantê đã nâng địa vị tiếng địa phương Toscana lên vị trí ngôn ngữ dân tộc Italia. Chính vì vậy, người ta gọi Đantê là cha đẻ của tiếng Ý và của văn học Ý cũng không phải là một nhận định có tính văn học mà còn mang yếu tố tự tôn, tự hào của cả một dân tộc - quốc gia.

Tháng 9, tìm về “Thần Khúc Địa ngục” tái bản tháng 10/2021 để hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Ý là vì như thế và cũng để kỉ niệm nhân 701 năm tưởng nhớ đại thi hào Đantê Alighieri và chiêm nghiệm các khổ thơ lắng đọng, dí dỏm và gần gũi trong thơ Đantê qua cách dịch vô cùng chuẩn mực của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Phạm Vĩnh Hà