Với tầm quan trọng về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, trong số các công trình nghiên cứu về đô thị, đời sống văn hóa vỉa hè là chủ đề thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học dưới nhiều chuyên ngành và góc độ khác nhau. Nhằm tìm hiểu sâu hơn về đời sống thường nhật đã và đang diễn ra tại vỉa hè trên các phương diện: sinh kế, xã hội, văn hóa và biểu trưng của vỉa hè Hà Nội, quý IV/2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành chuyên khảo mang tên “Vỉa hè Hà Nội, không gian đa chiều tương tác” do 2 tác giả: Nguyễn Thị Phương Châm và Hoàng Cầm (đồng chủ biên). Chuyên khảo là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ cấp Bộ “Văn hóa vỉa hè Hà Nội hiện nay” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa) làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ được thực hiện từ năm 2018 đến 2020 và được nghiệm thu đúng hạn đạt kết quả xuất sắc. Ngoài phần Lời tựa và Kết luận, nội dung cuốn sách được chia làm 4 chương cụ thể như sau:
Chương 1: Lịch sử nghiên cứu và các hướng tiếp cận
Cung cấp các thông tin liên quan tới: Lịch sử nghiên cứu vỉa vè; Quan hệ xã hội về tài sản, tính dễ nhìn và văn hóa thống soái. Qua đó, nhóm tác giả nhận định: Vỉa hè - một không gian vật lý nhỏ hẹp song lại chứa đựng trong nó cả xã hội mở rộng. Các nội dung được đề cập đã từng bước cung cấp những khám phá về văn hóa vỉa hè Hà Nội từ lý luận đến thực tế qua đa dạng góc nhìn, đa dạng trải nghiệm và đa dạng những quan điểm về các khía cạnh văn hóa - xã hội khác nhau.
Không gian vỉa hè, văn hóa vỉa hè vốn không còn xa lạ với giới nghiên cứu văn hóa học, nhân học trên thế giới và Việt Nam. Những nghiên cứu đã được thực hiện được nhóm tác giả cho rằng đã đặt nền móng quan trọng về lý thuyết cũng như cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu cho các nghiên cứu sau này về vỉa hè nói riêng và không gian công nói chung, với định hương đó, chuyên khảo cũng trở thành sản phẩm có tính kế thừa những thành tựu đi trước để tạo dựng nên khung phân tích, kết hợp với nguồn tư liệu định tính được thu thập từ chính không gian vỉa hè (phạm vi vỉa hè nội thành Hà Nội) nhằm đưa đến cho độc giả cách hiểu sâu và rộng hơn về các thực hành văn hóa - xã hội ở vỉa hè Hà Nội hiện nay.
Chương 2: Vỉa hè Hà Nội - không gian đa chức năng
Cung cấp các thông tin liên quan đến: Vỉa hè Hà nội từ góc nhìn lịch sử; Đời sống sinh hoạt, mưu sinh, xã hội, nghệ thuật, kí tức ở vỉa hè; Vỉa hè - một nơi chốn văn hóa của Hà Nội; Quản lý vỉa hè. Qua đó, nhóm tác giả khẳng định vỉa hè là một phạm trù lịch sử gắn với sự thăng trầm của mỗi giai đoạn, là tấm gương phản ánh rõ cuộc sống của người dân, cùng với những chuyển biến về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước và thủ đô. Vỉa hè vì thế không chỉ là không gian vật lý gắn với những chức năng thông thường như lối đi, nơi chứa hạ tầng giao thông hay là không gian đệm giữa nhà và lòng đường mà còn chứa đựng trong nó cả một đời sống, trong đó có đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân, là nơi mưu sinh của nhiều nhóm người (chủ yếu là nhóm yếu thế), có đời sống xã hội của cộng đồng, có đời sống nghệ thuật đặc sắc… Tất cả đã tạo nên những dòng kí ức mang sắc màu của hoài niệm, của những nỗi nhớ và những dấu ấn về Hà Nội. Tất cả những điều đó đã định hình lên vỉa hè là một không gian văn hóa sống động, linh hoạt, là nơi chốn văn hóa quan trọng của thủ đô. Mỗi con người đang có mặt ở vỉa hè hiện tại và cả những người đã từng gắn bó với vỉa hè vẫn đang từng ngày, từng giờ tạo dựng nên những hình ảnh, những âm thanh, những trải nghiệm của cuộc sống vỉa hè. Chính họ đã không ngừng nghỉ tạo ra và bồi đắp thêm ý nghĩa cho vỉa hè, khiến vỉa hè trở nên thân thuộc, gắn bó với mỗi người dân để mỗi khi nói về Hà Nội, không thể không nói tới cuộc sống vỉa hè, văn hóa vỉa hè.
Chương 3: Vỉa hè Hà Nội - không gian của những tương tác, dàn xếp và thương thỏa
Cung cấp các thông tin liên quan đến sự đa dạng trong cách hiểu vỉa hè; Dàn xếp, thương thỏa giữa các nhóm xã hội; Dàn xếp, thương thỏa giữa những người dân và các cơ quan quản lý. Qua đó, nhóm tác giả kết luận vỉa hè Hà Nội không giống như nhiều người nghĩ rằng đây là một không gian lộn xộn, thiếu trật tự mà ngược lại không gian ấy đã và đang được người dân duy trì trật tự theo cách riêng của nó với những dàn xếp, thương thỏa đa dạng và liên tục. Trật tự ấy có giá trị và phù hợp với họ, đáp ứng được nhu cầu của họ - những con người có liên quan trực tiếp. Tìm hiểu sâu hơn về quá trình thương thỏa, bạn đọc sẽ thấy rằng người dân mưu sinh trên vỉa hè có cách hiểu của riêng họ, nhà nước có cách hiểu của nhà nước, những người sử dụng vỉa hè, những nhà nghiên cứu từ các ngành khác nhau cũng có những cách hiểu khác nhau. Song, sự thương thỏa luôn diễn ra khi người dân có cách hiểu vỉa hè như cách họ đang thực hành văn hóa trong không gian đó. Vỉa hè là cuộc sống của những người dân ở đây, nên họ rất khéo léo, khôn ngoan và linh hoạt, có “chiến lược” ứng xử hợp lý để tối ưu hóa lợi ích của họ trên vỉa hè. Những sự dàn xếp, thương thỏa đã giúp người dân cân bằng và chia sẻ, kết nối được với tất cả các bên liên quan và theo cách đó vỉa hè vẫn luôn được sáng tạo liên tục bởi các chủ thể đa dạng của nó.
Chương 4: Vỉa hè Hà Nội - những góc nhìn đa chiều
Cung cấp các thông tin liên quan tới: không gian công mang tính bao gộp; Vỉa hè Hà Nội lộn xộn trong trật tự; Vỉa hè Hà Nội không gian của những dạng thức “phản kháng hàng ngày”; Vỉa hè Hà Nội các động thái của văn hóa truyền thống; Những gợi ý chính sách quản lý vỉa hè, nhóm tác giả đưa ra nhiều nhận định như sau: Nếu nhìn vỉa hè như một tài sản thì tài sản vỉa hè rất khác so với cách nhìn về tài sản thông thường. Các lý thuyết về tài sản chỉ ra tính sở hữu, song vỉa hè Hà Nội lại là không gian đa sở hữu đặc trưng, không gian vỉa hè là không gian bao gộp, dung nạp tất cả những nhóm xã hội khác nhau để ai cũng có được vị trí và tiếng nói của mình trong đó. Chính vì thế mà vỉa hè Hà Nội luôn tồn tại như một không gian xã hội với sự đa tầng, đa nghĩa, đa thanh điển hình.
Trong không gian vỉa hè đa sắc như vậy, tự nó đã duy trì một sự phức tạp tự nhiên, sự đa dạng trong sắp xếp, thương thảo. Ở đó, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, trải nghiệm được cuộc sống đầy sống động, linh hoạt với những con người thông minh, khéo léo, sáng tạo. Điều này rất khác với mong muốn của các cơ quan quản lý về một vỉa hè trật tự, ngăn nắp theo các quy chuẩn mà Nhà nước đặt ra để dễ nắm bắt, quản lý.
Một thành phố chỉ thực sự có hồn, thật sự sống động khi có những vỉa hè bận rộn, có những con phố tấp nập, những con người tất bận với những công việc của họ và người dân Hà Nội đã duy trì một vỉa hè như thế trong suốt hơn một thế kỷ qua. Nhà nước dù có quyền lực và áp đặt được quyền lực ấy vào quản lý vỉa hè. Song, bằng rất nhiều cách khác nhau, người dân vẫn sử dụng được vỉa hè theo cách riêng của họ và mọi nỗ lực áp đặt các quy chuẩn hay quyền lực nhà nước đều đã và đang không thành công. Đó là điều mà các cơ quan quản lý cần thiết phải nhìn nhận lại.
Từ góc nhìn văn hóa, các tác giả cho rằng vỉa hè là một không gian công với đa dạng phương tiện của đời sống, đa dạng thực hành văn hóa. Trong đó công tác quản lý cũng được xem là phương diện của thực hành văn hóa. Các thực hành này luôn đan xen, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau tạo nên một không gian vỉa hè đa chức năng, đa sở hữu, đa tầng, đa nghĩa, đa diện và đa thanh.
Hiểu về văn hóa vỉa hè với đầy đủ các tính chất và những đặc trưng và những dàn xếp mang tính chức năng của nó như vậy mới có thể tìm được phương cách quản lý phù hợp, hài hòa cho tất cả…
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà