Tổng Bí thư cũng chỉ ra những kết quả và thành tích tốt đẹp của Đảng đã đạt được trong công tác đối ngoại 35 năm qua. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nay, Đảng ta đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Phải coi ngoại giao vắc xin như một “mặt trận” quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược vắc-xin mà Chính phủ đã đề ra, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Từ ngoại giao cách mạng đến ngoại giao trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt chiều dài lịch sử 76 năm của nền ngoại giao Việt Nam (28/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự kế thừa phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam đã từng bước đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại. Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc biệt của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đậm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc. Đó là: Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với đó là những vấn đề quốc tế, khu vực nảy sinh, ngoại giao Việt Nam vẫn kiên cường giữ vững lập trường cách mạng, ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội…). Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Ngoại giao Việt nam đã tiên phong cùng các Bộ, ngành đẩy mạnh hướng “ngoại giao y tế”, đẩy mạnh “chiến lược ngoại giao vắc xin”. Đây là đường lối, chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước trước tình hình ứng phó với đại dịch trong nước đang gặp không ít những khó khăn về nguồn lực y tế, trang thiết bị, đặc biệt là thiếu hụt nguồn vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đẩy mạnh nguồn lực ngoại sinh “ngoại giao vắc xin” trong từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do xuất hiện các biến chủng mới và vắc xin được coi là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững trong cuộc chiến chống đại dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 13/8/2021 thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin. Trao đổi với Phóng viên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng (Bqp.vn), Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin phòng Covid-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách, trong khi nguồn vắc xin trên thế giới khan hiêm, ngoại giao vắc xin là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến lược vắc xin.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Tổ công tác đã họp và thống nhất phương châm của Tổ công tác là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”. Với phương châm và tinh thần đó, Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp, trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vắc-xin nhanh, nhiều và sớm nhất.
Trong đó, Tổ công tác sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt. Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc-xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký; đồng thời chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.
Quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh đến sự nỗ lực không ngừng cùa ngành ngoại giao trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, thông qua theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao đã sớm tham mưu cho Chính phủ về xu hướng các nước xác định vắc- xin là yếu tố quyết định để đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa và phục hồi phát triển kinh tế. Đây là kim chỉ nam quan trọng để Đảng và Nhà nước đưa ra được con đường ngoại giao linh hoạt với các nước lớn sản xuất được vắc xin như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Cuba… để tiếp cận các nguồn vắc xin sớm nhất với hàng triệu liều vắc-xin cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ công tác chống dịch trong nước.
Trong buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm 8 đại sứ Việt Nam tại các nước nhiệm kỳ 2021-2024 và tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào chiều ngày 14/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò cùng trọng trách lớn của các đại diện tại các quốc gia ở khu vực Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Đại Dương trong việc thực hiện nhiệm vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó. Đặc biệt, trước bối cảnh đại dịch Covid-19, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong đối ngoại, phát huy truyền thống “ngoại giao chân thành từ trái tim tới trái tim”, đẩy mạnh thực hiện chiến lược ngoại giao vắc xin, ngoại giao y tế để có nguồn lực phòng chống dịch bệnh ở trong nước, góp phần phục hồi kinh tế.
Phát huy tối đa nguồn lực ngoại sinh “ngoại giao vắc xin” để tăng cường nguồn lực nội sinh trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin tại Việt Nam
Hiện nay, Việt nam đã đạt được nhiều thành tựu về ngoại giao vắc xin, đặc biệt là về nguồn cung vắc xin. Đây là kết quả to lớn của sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, hoạt động ngoại giao trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cho đến quá trình vận động vắc xin của các đơn vị trong nước và ngoài nước. Quá trình ngoại giao vắc xin thành công cũng thể hiện thành tựu của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 84 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, tháng 8 là hơn 16 triệu liều, gấp đôi số lượng vắc xin về trong tháng 7, tháng 9 là hơn 20 triệu liều, gần gấp 3 lượng vắc xin về trong tháng 7 và tháng 10 hơn 30 triệu liều.
Hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận vắc xin dựa trên 04 nguồn: (1) Cơ chế COVAX; (2) Trực tiếp nhập khẩu vắc xin; (3) Thương lượng để chuyển nhượng; (4) Các nguồn viện trợ, tặng. Tuy nhiên, các chính sách ngoại giao vắc xin đang hướng về tìm kiếm nguồn cung mà các chính sách về biếu tặng cho các quốc gia đang có nhu cầu nhằm tăng cường sự ảnh hưởng và mối quan hệ song phương đối với các quốc gia khác vẫn chưa được xem xét. Các chính sách ngoại giao của Việt Nam đa phần thiên về các dụng cụ y tế khẩu trang và vật phẩm phòng chống dịch bệnh và những đóng góp sáng kiến, vật chất.
Từ những kinh nghiệm trong thực hiện ngoại giao vắc xin, các bộ, ban, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, chắt lọc, tham mưu mô hình nghiên cứu sản xuất cũng như là chuyển giao công nghệ vắc xin cho Việt Nam. Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Quan điểm của Đảng và Nhà nước hướng tới cần chủ động tăng cường nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tăng nguồn lực nội sinh để phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ con người Việt Nam, nhất là truyền thống sáng tạo của ngành dược, ngành y tế trong sản xuất vắc xin, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Tại Diễn đàn “Cuộc chạy đua vaccine Covid-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia” vào ngày 12/1/2022 vừa qua tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sự kiện đã thu hút sự tham dự của nhiều các khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà quản lý trên cả nước trao đổi về các vấn đề liên quan đến sự tác động của Covid-19 đến quan hệ quốc tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch. Các nhà khoa học đều nhận định, thời gian tới Việt Nam cần tái cơ cấu quỹ vắc xin phòng Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển vắc xin theo hướng tăng lên về quy mô, số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng các nghiên cứu để tạo ra vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Hoàn thiện cơ chế chính sách ngoại giao vắc xin, không những tìm kiếm thêm các nguồn cung qua quan hệ hợp tác giữa các quốc gia phát triển mà còn tham gia biếu tặng vắc xin, thuốc chữa, vật liệu y tế cho các quốc gia khác nhằm gia tăng ảnh hưởng và tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia.

|
Thông qua chuyến công tác tại Hoa Kỳ 23/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến thăm công ty Pfizer, một trong những công ty sinh học dược phẩm hàng đầu trên thế giới. Chuyên thăm này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược ngoại giao vắc xin của Việt Nam, ngoài thể hiện sự quan tâm, thúc đẩy viện trợ về vắc xin, hai bên còn tiến hành các thỏa thuận hợp tác sản xuất vắcxin. Bộ Y tế cho biết hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc xin Covid-19 đã được ký kết với Nga, Mỹ và Nhật Bản… Với rất nhiều nỗ lực từ ngoại giao vắc xin, từ việc phát huy tối đa ngoại lực, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ 47 đợt vắc xin với tổng số gần 52,2 triệu liều. Năm 2021, số vắc xin có cam kết thỏa thuận viện trợ, tài trợ và vắc xin mua tổng cộng là 155.7 triệu liều. Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc xin duy nhất đã có thành công trong việc chuyển giao công nghệ. Đây là bước tiền đề quan trọng để Việt Nam bồi đắp, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn nội sinh của trí tuệ nhằm từng bước tự chủ được nguồn cung vắc xin trong nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á và vươn ra thế giới trong tương lai.
Có thể nói, Chiến lược ngoại giao nói chung và ngoại giao vắc xin của Việt Nam nói riêng đang là chìa khóa Vàng để Đảng và Nhà nước từng bước tháo gỡ “cánh cửa” khó khăn về nguồn lực vắc xin, trang thiết bị y tế và nhân lực còn hạn chế trong nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, cùng chung sức vào công tác phòng, chống và ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương học hỏi thêm những kinh nghiệm từ các nước để phát huy mạnh mẽ nội lực dân tộc để chúng ta có thể đứng vững trong cuộc chạy đua vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng, thích ứng tốt với tình hình dịch bệnh hiện nay, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội. Qua đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng kết hợp với tinh thần ngoại giao hiện đại, mang bản sắc dân tộc – trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”- như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Nguyễn Thu Trang (tổng hợp)