TS. Trần Thị Tuyết, Viện Địa lí nhân văn
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: "Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động"[1].
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài
Trọng dụng nhân tài được xem là truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; đặc biệt, trong thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, tư tưởng trọng dụng nhân tài của Người vẫn là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ, sử dụng người hiền tài của Đảng ta, bởi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp"[2]. Muốn trọng dụng nhân tài, theo Hồ Chí Minh phải làm tốt một số vấn đề:
Phải thực hiện tốt việc đánh giá, sử dụng cán bộ: Đây là hoạt động cần thiết, phải tiến hành thường xuyên, bởi “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”[3]. Đảng ta cũng khẳng định việc đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất trên cơ sở các tiêu chí đo lường về hiệu quả công việc; kết quả đánh giá là cơ sở phục vụ các yêu cầu sử dụng hợp lý, phân công “đúng người, đúng việc” hợp với sở trường góp phần phát huy được năng lực cán bộ và giải quyết hiệu quả công việc của tổ chức; đồng thời, kết quả đánh giá cán bộ cũng sẽ góp phần phát hiện những đối tượng thoái hoá biến chất, những kẻ cơ hội để loại ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, các tổ chức. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến tạo điều kiện, môi trường phù hợp để người tài phát huy năng lực.
Phải kiên quyết chống bệnh hẹp hòi, chia rẽ trong Đảng và trong công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”[4]; Còn bệnh bè phái thì “Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”[5]. Muốn sử dụng được nhân tài thì phải ra sức chống các bệnh đó và phải chữa khỏi những bệnh đó bằng cách thức lãnh đạo phù hợp, cần tin tưởng, tạo lòng tin trong sử dụng cán bộ; tạo tính dân chủ trong đánh giá, sử dụng và quý trọng nhân cách cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”[6].
Phương thức sử dụng phải hợp lý với điều kiện, bối cảnh của đất nước: Người cho rằng, để đường lối cách mạng triển khai hiệu quả, đưa lại lợi ích cho toàn xã hội thì cán bộ hướng dẫn, thực hiện giữ vai trò quan trọng nhất. Người viết:“Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[7]; Do đó, cần thiết phải “nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu”[8]; sử dụng phương thức hợp lý “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”.
Tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhấn mạnh trong bài viết: “Nhân tài và kiến quốc” được đăng tải trên Báo Cứu quốc; Người chỉ rõ: “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”[9]. Người đưa ra lời kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến,…lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì thực hành ngay”[10]. Bài viết đã thể hiện tính nhất quán về tư tưởng trọng dụng nhân tài của Người trong sự nghiệp kiến thiết đất nước; Người cho rằng: nước ta không thiếu nhân tài – những người có tài có đức, vấn đề là phát hiện và sử dụng phù hợp nếu Chính phủ không thấy được là có lỗi; do đó, với cương vị là Chủ tịch, Hồ Chí Minh đã mạnh dạn nhận khuyết điểm đó và đề nghị các địa phương tìm nhân tài – những người có khả năng, năng lực gánh vác, làm được những việc ích nước lợi nhà thì báo cho Chính phủ biết để sử dụng.
Có thể thấy, những bài viết về “Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức” của Người giống như các “chiếu cầu hiền”:
“Tìm người tài đức
Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các địa phương phải báo cáo cho đủ.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh”[11]
Ngoài ra, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nhấn mạnh: “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”, “nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”; Người phê phán: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”, “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng”. Vấn đề quan trọng trong trọng dụng nhân tài là sử dụng đúng, theo Người: “phải biết dụng nhân như dụng mộc”, “phải biết tùy tài mà dùng người sẽ thành công”, “lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa thành tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Nghệ thuật sử dụng nhân tài của Người thể hiện ở chỗ “khéo dùng cán bộ”, “khéo dùng lãnh đạo” để “tài nhỏ hóa ra tài to”; cách sử dụng để đưa tập thể, đất nước đạt được mục tiêu đã đặt ra, có thể nhận định đó là nghệ thuật sử dụng “đúng người đúng việc”, dùng người “đúng việc đúng chỗ”, “biết tùy tài mà dùng người”; sao cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”, kết hợp với tinh thần “độ lượng vĩ đại”, chí công vô tư khi dùng người, đặc biệt ở tài năng thuyết phục, cảm hóa những người lầm lỗi về với chính quyền cách mạng để giúp họ tiến bộ, huy động được năng lực của họ để xây dựng, bảo vệ đất nước; điều này đã thể hiện được sự vĩ đại của Người trong sử dụng những người trái chính kiến với mình để “thêm bạn, bớt thù” sẽ có lợi cho dân, cho nước[12].
Từ các tác phẩm trên, cho thấy được sự thiên tài của Người trong việc tiếp thu tư tưởng của các nhà hiền tài, đồng thời nâng tầm quan điểm, vận dụng đúng đắn trong trọng dụng nhân tài phù hợp với bối cảnh quốc gia trong giai đoạn đầu của chính quyền cách mạng đã góp phần thu hút được rất nhiều nhân tài vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước; từng bước “chèo lái” quốc gia vượt qua được những thách thức, khó khăn để đi tới những thắng lợi vĩ đại.
Phương sách sử dụng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minhcó giá trị vô giá và luôn đúng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta,vấn đề là cách vận dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước với các chiến lược đúng đắn.
2. Hệ sinh thái khởi nghiệp – vận dụng sáng tạo về tạo môi trường thuận lợi trong công táctrọng dụng nhân tài kết hợp với đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ tạo thế “bứt phá” trong kỷ nguyên số
Hệ sinh thái khởi nghiệp là sự vận dụng sáng tạo phương pháp “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu” phát huy các nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của Hồ Chí Minh. Theo Người, lực phải luôn gắn liền với thế, thế và lực có mối quan hệ tương hỗ, lực là cơ sở, nền tảng, thế là điều kiện cùng với chiến lược phát triển phù hợp, trong đó đặt niềm tin, trọng dụng các nhân tố mang tính đột phá sẽ góp phần tạo nguồn lực sức mạnh giảm khoảng cách với nền kinh tế thế giới[13].Tạo môi trường, điều kiện để nhân tài thể hiện năng lực phát triển giữ vai trò quan trọng, nhất là giai đoạn khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo
Khởi nghiệp sáng tạo (startup) là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh. Theo đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015”[14] cho rằng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Như vậy, có thể nhận định rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp dựa trên một công nghệ mới hoặc tri thức mới cho tiến trình phát triển, là một trong những thành tố quan trọng tạo ra nền kinh tế tri thức - nền kinh tế trong đó sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức đóng vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một hệ thống bao gồm môi trường và những doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành và biến đổi đều do hoạt động của con người. Quan niệm hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện sự chuyển hóa mô hình khởi nghiệp truyền thống sang khởi nghiệp sáng tạo, mang tính đột phá trong nền kinh tế thị trườngTrong đó, các điều kiện thúc đẩy tính đổi mới, tính sáng tạo, tính bứt phá trong sử dụng các sản phẩm trí tuệ được xem là yếu tố quan trọng.Sự chuyển đổi mô hình khởi nghiệp đã thể hiện được sự thay đổi tư duy trong chiến lược trọng dụng nhân tài của quốc gia, việc trọng dụng không chỉ sắp xếp, bố trí phù hợp mà còn tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để nhân tài phát huy năng lực, tài năng, cống hiến cho đất nước trên cơ sở phát huy được tiềm lực quốc gia và tận dụng triệt để thành tựu của thế giới trong bối cảnh hội nhập, nhất là tận dụng khoa học, công nghệ.
Vai trò của các cơ quan khoa học và công nghệ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo
Khoa học và công nghệ luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới của nước ta. Điều này đã được khẳng định trong nhiều văn kiện chiến lược cương lĩnh xây dựng đất nước. Chẳng hạn, như: Điều 62, Hiến pháp năm 2013 xác định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Thật vậy, trong giai đoạn hiện nay, Khoa học và công nghệ giữ vai trò to lớn trong hình thành nền kinh tế tri thức bền vững và xã hội thông tin. Nhất là trong bối cảnh “thế giới phẳng”, sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất giúp nước ta từng bước bắt kịp với các quốc gia phát triển. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có các giải pháp tạo tính đột phá trong phát triển: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một giải pháp hợp lý.
Nhận thức rõ tiềm năng và xu thế của khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, Nhà nước đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đặc biệt là ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ngày 18/5/2016. Đây được xem là điểm nhấn nổi bật, sự khẳng định tính quan trọng trong tạo lập một môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, để các mục tiêu và hoạt động của Đề án trở thành hiện thực và thực thi hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực của cả bộ máy quản lý và xã hội. Trong đó, các cơ quan khoa học công nghệ giữ vai trò quan trọng và quyết định, bởi chính chức năng, nhiệm vụ đã được Nhà nước quy định, đó là: thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đối với các cơ quan quản lý hay chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Từ chức năng trên, có thể nhận thấy, các cơ quan khoa học, công nghệ là nơi:
- Khởi nguồn và thúc đẩy các tri thức khoa học công nghệ thông qua các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ. Các kết quả nghiên cứu hàn lâm này là cơ sở để hiện thực và giải quyết các mối quan hệ, các mâu thuẫn, các điểm khuyết thiếu trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, …
- Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống tổng thể thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển: Các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn sẽ là những căn cứ tổng hợp mang tính khoa học, sát với thực tiễn; trên cơ sở đó các cơ chế, chính sách; các công cụ quản lý nhà nước được hoạch định nhằmphát huy các nguồn lực thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển đột phá và bền vững, đảm bảo độ tin cậy và tính khách quan.
- Tạo vườn ươm khởi nghiệp: các cơ quan khoa học công nghệ là môi trường tốt nhất để những ý tưởng khởi nghiệp “nảy mầm”, nuôi dưỡng và phát triển trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn – cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, gồm 32 Viện nghiên cứu thành viên, phủ đều ở tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học vùng và quốc tế với định hướng nghiên cứu:
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn và hội nhập quốc tế dưới tác động của toàn cầu hoá.
Thứ hai, cụ thể hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011–2020; tham gia tổng kết thực tiễn 25 và 30 năm đổi mới và xây dựng cơ sở khoa học cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá – xã hội – môi trường, trong đó đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đi sâu nghiên cứu mối quan hệ giữa các trụ cột của phát triển bền vững, giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, …
Các kết quả nghiên cứu trên là cơ sở cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham mưu, đề xuất các giải pháp chính sách, công cụ hỗ trợ để hình thành và phát triển các hướng tiếp cận, các mô hình phát triển mang tính đột phá, sáng tạo, đổi mới, trong đó gồm các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, cơ sở quan trọng hình thành “vườn ươm khởi nghiệp”.
Có thể khẳng định rằng: Các cơ quan khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt, giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; đồng thời giữa chúng có liên kết chặt chẽ với nhau thông qua mối quan hệ tương tác: cơ quan khoa học và công nghệ là nền tảng, nơi tạo dựng tri thức, khung tổng thể, gồm các công cụ quản lý, điều hành, hỗ trợ giúp hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; ngược lại các hệ sinh thái khởi nghiệp là nơi đưa các kết quả nghiên cứu ở dạng tiềm năng trở thành hiện thực hóa, cơ sở tạo động lực, sức bật phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển vượt bậc.
Từ nhận thức về tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quí báu của Đảng và của cả dân tộc ta”[15]. Cùng với việc vận dụng hợp lý tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài kết hợp với yếu tố thời đại, lựa chọn mô hình sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam – hệ sinh thái khởi nghiệp đã bước đầu khẳng định được tính hiệu quả trong tạo động lực phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Ban Bí thư (2003). Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hô Chí Minh trong giai đoạn mới, H.
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, H., tr.127
-
Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2002
-
Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011
-
Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002
-
Hồ Chí Minh. Sửa đổi lối làm việc. H. NXB Sự thật, 1995
-
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000
-
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2019). Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. LLCT, H.
-
Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
-
Thân Nhân Trung (1419 – 1499). Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Tế tửu Quốc Tử Giám. Wikipedia Việt Nam
[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2019). Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. LLCT, H.
Ban Bí thư (2003). Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hô Chí Minh trong giai đoạn mới, H.
[2]Thân Nhân Trung (1419 – 1499). Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Tế tửu Quốc Tử Giám. Wikipedia Việt Nam
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG, H.2000, t.5, tr. 274.
[4]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.257
[5]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.257
[6]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.241
[7]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309, 313
[8]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.313
[9]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H.2002, tr.459
[10]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.273
[11]Hồ Chí Minh toàn tâp, tập 4 (1945-1946), tr. 451
[12]Hồ Chí Minh. Sửa đổi lối làm việc. H. NXB Sự thật, 1995, tr. 68
[13] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2019). Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. LLCT, H.
[14] Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, H., tr.127
Nguồn: Chi bộ Viện Địa lí nhân văn