Hồ Chí Minh - Nhà lý luận lỗi lạc

Hồ Chí Minh - Nhà lý luận lỗi lạc

19/06/2020

NGUYỄN NGỌC HÀ

PGS.TS, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Ảnh tư liệu  

Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại. Ngay từ năm 1923, nhà thơ Liên Xô Oxip Mendenstam đã khẳng định tầm văn hóa lớn của Người khi nhận xét rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một ánh sáng văn hóa không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”, “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp, qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Nhà văn hóa lớn là người có đóng góp lớn trong hoạt động thực tiễn hoặc trong hoạt động lý luận, hoặc trong cả hai hoạt động đó. Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn không chỉ trong hoạt động thực tiễn, mà cả trong hoạt động lý luận.
Trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh nổi tiếng là một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà quản lý, nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà đạo đức, nhà tuyên truyền, nhà dân vận, v.v., vì đã có đóng góp lớn bằng hoạt động thực tiễn của mình ở các lĩnh vực này.
Trong hoạt động lý luận, Hồ Chí Minh nổi tiếng là một nhà lý luận về chính trị, nhà lý luận về ngoại giao, nhà  lý luận về quân sự, nhà lý luận về quản lý, nhà lý luận về báo, nhà lý luận về giáo dục, nhà lý luận về văn, nhà lý luận về thơ, nhà lý luận về họa, nhà lý luận về nhạc, nhà lý luận về đạo đức, nhà lý luận về tuyên truyền, nhà lý luận về dân vận, v.v., vì đã có đóng góp lớn bằng hoạt động lý luận của mình ở các lĩnh vực này.
Hồ Chí Minh là một nhà lý luận lỗi lạc về nhiều phương diện. Lý luận của Hồ Chí Minh về chính trị, ngoại giao, quân sự, quản lý, về báo chí, giáo dục, nghệ thuật, đạo đức, tuyên truyền, dân vận, v.v., thường được gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh với tư cách nhà lý luận, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, các tác phẩm lý luận của Hồ Chí Minh không dài. Nhưng ở vấn đề lý luận nào Hồ Chí Minh cũng đều có quan điểm đúng đắn và sâu sắc. Nhiều quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh được trình bày trong các bài phát biểu ngắn, trong những bức thư, những lời dặn dò, nhắc nhở, khuyên bảo; trong những bài thơ, những truyện ngắn, truyện dài. Về đặc điểm này, Hồ Chí Minh giống nhiều nhiều nhà lý luận phương Đông.
Khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh với tư cách nhà lý luận, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, các quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh đơn giản, dễ hiểu, vì được diễn đạt bởi ngôn ngữ trong sáng và giàu hình ảnh. Về đặc điểm này, Hồ Chí Minh cũng giống nhiều nhiều nhà lý luận phương Đông. Ví dụ, các câu nói “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên”, “Thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông” là những câu rất ngắn gọn, giàu hình ảnh, dễ hiểu. Quan điểm về các vấn đề lý luận không phải chỉ được thể hiện bằng những câu nói phức tạp, khó hiểu, chỉ dành cho ít người thuộc tầng lớp tinh hoa, mà còn được thể hiện và cần phải được thể hiện bằng những câu nói đơn giản, dễ hiểu, dành cho mọi người. Thông thường, để diễn đạt một quan điểm về một vấn đề lý luận phức tạp nào đó dưới hình thức đơn giản, dễ hiểu, thì người diễn đạt phải có quan điểm rõ ràng về vấn đề ấy, phải am hiểu các quan điểm đối lập; đồng thời, phải có kỹ năng trình bày vấn đề lý luận giống như kỹ năng làm những việc đơn giản hàng ngày. Hồ Chí Minh có kỹ năng như vậy. Tuy biết nhiều ngôn ngữ và các từ ngữ hàn lâm, nhưng Hồ Chí Minh vẫn tìm những từ ngữ đơn giản hàng ngày để diễn đạt. Người nhiều lần nhắc nhở các nhà báo cần phải viết một cách đơn giản, dễ hiểu, bằng những từ thông dụng.
Hồ Chí Minh là nhà lý luận lỗi lạc vì Người bàn đến nhiều vấn đề lý luận, và ở mỗi vấn đề lý luận, Người đều có quan điểm rõ ràng, đúng đắn, sâu sắc. Điều đặc biệt khác nữa của nhà lý luận Hồ Chí Minh là ở chỗ, quan điểm của Người về mọi vấn đề lý luận đều được Người diễn đạt dưới hình thức ngắn gọn, đơn giản, dễ hiễu.
Hồ Chí Minh là một nhà lý luận lỗi lạc, lỗi lạc không chỉ xét ở phạm vi dân tộc, mà còn xét ở phạm vi nhân loại, lỗi lạc không chỉ ở nội dung quan điểm mà còn ở phong cách diễn đạt đặc sắc.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Viện Triết học (http://philosophy.vass.gov.vn/)
 

 
Các tin đã đưa ngày: