Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà chìm trong cảnh lầm than, nhân dân lao động vô cùng cực khổ dưới ách cai trị và áp bức của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Thực tiễn đất nước như vậy, đã hun đúc lên trong con người Hồ Chí Minh tình yêu thương quê hương, yêu thương giống nòi, yêu dân tộc tha thiết, đó là động lực và cũng là hành trang để Người đi đến phương trời xa xôi tìm bằng được chân lý của sự bác ái và bình đẳng. Tình yêu thương quê hương, đất nước vô bờ bến đó, kết hợp với những trải nghiệm thực tiễn cuộc sống hoạt động cách mạng sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, cộng với sự đúc kết những giá trị tinh túy của Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng vào thực tiễn cách mạng của Việt Nam, từ đó đã hình thành nên Tư tưởng Hồ Chí Minh, để sau này trở thành di sản vô giá cho cách mạng và dân tộc Việt Nam. Trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh để lại, có thể nhận ra ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng trong đó có tư tưởng thân dân và yêu dân tha thiết.
Ngày nay, lần dở lại Di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút tích của Người từ năm 1919 đến năm 1969, được tập hợp lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, từ tập 1 đến tập 12, chúng ta nhận thấy trong đó bóng dáng, tư tưởng và cốt cách vĩ đại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những di cảo của Người đã đi qua nhiều năm tháng, nhưng giá trị của nó vẫn còn nóng hổi trong bối cảnh hiện nay. Tư tưởng thân dân và tác phong lãnh đạo, chỉ đạo công việc của Người được bao quát trên tất cả các lĩnh vực công việc và với tất cả mọi tầng lớp nhân dân, cùng bè bạn quốc tế, thậm chí với cả kẻ thù đối lập bên kia chiến tuyến [1]. Qua tham luận này,chúng tôi chỉ tập trung vào ba luận điểm sau: i/ Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân; ii/ Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên; iii/Chủ tịch Hồ Chí Minh quan ngại về các biểu hiện suy thoái, xa dân của cán bộ, đảng viên.
1. Dành sự quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân
Nhìn lại lịch sử từ xa xưa, trong thực tiễncuộc sống và vận dụng vào nhiệm vụ và công việc cụ thể củađất nước và vận mệnh dân tộc, các thế hệ đi trước Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều coi nhân dân là cội nguồn và là trung tâm của mọi hành động và quyết sách.
Ở thế kỷ XIII, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, khi đang lâm bệnh, được vua Trần tới vấn an, đã trăn trở với vua Trần về kế sách giữ nước là: “Phải biết khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Sau này, vào thế kỷ XV, trong bối cảnh binh đao của giặc Minh xâm lược và sự thành lập vương triều Lê, Nguyễn Trãi cũng rất đề cao vai trò của nhân, và xem nhân dân như người quyết định tới sự thịnh suy của vương triều, do đó ông đã viết: “Phúc chu thủy tín dân do thủy-Lật thuyền mới rõ dân như nước” [2].
Tư tưởng thân dân, tôn trọng nhân dân ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bó hẹp là thương dân, liên hệ mật với nhân dân, thấu hiểu lòng dân, mà hơn thế nữa, đó còn là cốt cách và tâm thế, trí tuệ và đức độ của Người khi đứng trước thời cuộc, những trăn trở về vận nước, sự chia sẻ và quan tâm về đời sống nhân dân, và những lời động viên, thăm hỏi tới các em thiếu nhi, đồng bào miền Nam, với anh bộ đội, chị công nhân, các xã viên hợp tác xã, bà con nông dân, hòa đồng với các tôn giáo, các tổ chức xã hội… và bầu bạn quốc tế, tất cả đều toán lên tinh thần nhân văn cao cả, luôn luôn tôn trọng nhân dân, lấy dân làm gốc. Và khi đã trở thành người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên, được nhân dân tin giao nhiệm vụ, thì phải nắm bắt và bao quát được mọi chiều cạnh của đời sống nhân dân, không chỉ ngồi trong phòng làm việc rồi hành chính hóa, chỉ thị hóa, mà không hay biết tới thực tiễn cuộc sống và những khó khăn của đời sống nhân dân...
Trong Hồ Chí Minh toàn tập, chúng ta thấy Người đã dành tình cảm yêu thương cho tất cả đồng bào, đồng chí và nhân dân người Việt Nam, đứng trên cương vị là Chủ tịch nước hay bất kể ở vị trí nào, Người đều hòa mình, đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của chính họ.
- Ngày 10-1-1946, khi về thăm tỉnh Hưng Yên, Người đã có bài nói chuyện với nông dân vàđiền chủ Hưng Yên, Người đã căn dặn: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê. Chúng ta cần phải chăm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt. Nước ta hồi Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới. Số thóc góp để đắp đê không phải là một thứ thuế mà chỉ là một thứ lạc quyên thôi, không có gì là cưỡng bách cả. Đê vỡ, ruộng mất, dân nghèo lo đói, điền chủ mất thóc mà thương gia cũng ít phát tài. Cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dập vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa. Khi chưa ốm, ta phải uống thuốc phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc. Vậy các nhà thân hào phải hăng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê, phải giúp cho họ ăn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa” [3].
- Đối với những chiến sĩ và các y tá, bác sĩ đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên chiến trường, trong hoàn cảnh khó khăn,Người đã kịp thời khen ngợi và gửi lời động viên để giúp họ vượt qua khó khăn và sớm bình phục: “Tôi tiếp được nhiều thơ nam nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận. Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý! Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế. Tôi thay mặt Chính phủ hỏi thăm và chúc anh chị em mau lành mạnh. Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách rất chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc. Tôi thay mặt anh em thương binh, cảm ơn các bạn, và khuyên các bạn gắng sức. Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái và quyết thắng” [4].
- Một ví dụ nữa đã cho thấy Người rất sát sao với đồng bào và quân dân trong mọi hoàn cảnh, nếu khó khăn Người kịp thời động viên, an ủi, khi lập công, đạt thành tích, Người trực tiếp biểu dương, khen ngợi. Đó là vào năm 1950, khi bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang chuyển biến tích cực về thế và lực, khi nghe tin, các cán bộ và công nhân, chiến sĩ tỉnh Bắc Cạn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phụ trách chiếc xe hơi đầu tiên, Người đã gửi thư động viên và căn dặn: “Trong thời kỳ toàn quốc chuẩn bị để chuyển mạnh sang tổng phản công, Bắc Cạn được vinh dự là có xe hơi chạy đầu tiên ở Việt Bắc, mà các chú: Đào Huy Đãn chữa máy; Hoàng Văn Dá cầm máy; Hoàng Văn Bình cầm máy; Lường Văn Cành giúp việc; Nguyễn Văn Thi giúp việc, thì có cái vinh hạnh là phụ trách chiếc xe hơi chạy đầu tiên. Tôi được báo cáo rằng các chú rất cố gắng và cẩn thận. Thế là rất tốt. Nhân dịp này tôi có vài lời dặn chung: Có kết quả bước đầu ấy là do các cán bộ chính quyền và đoàn thể hợp tác chặt chẽ, công tác thiết thực, và nhờ đồng bào Bắc Cạn hăng hái sửa đường. Vậy từ nay, bất kỳ việc to việc nhỏ, các cán bộ đều phải giải thích rõ ràng cho mỗi một người dân đều hiểu rõ, đều vui lòng làm thì việc gì cũng sẽ thành công mau chóng, tốt đẹp” [5].
- Đối với trường hợp gia đình Bác sĩ Vũ Đình Tụng và cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, trong những lúc đau thương mất mát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi nỗi đau đó như chính những mất mát từ gia đình, ruột gan của mình,Người đã gửi điện, gửi thư chia sẻ với những lời lẽ chân tình thắm thiết: “Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng” [6].
Trong lúc bộn bề công việc sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, vừa phải củng cố tình hình trong nước với bao khó khăn chồng chất, lại phải lokháng chiến, nhưng Người vẫn nhớ tới ngày mất của cụ Huỳnh: Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng:“Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng” [7].
- Đối với các cháu thiếu nhi, năm 1946, sau những ngày đi công tác, đàm phán chính sự với chính phủ Pháp, Người đã gửi thư tới các cháu thiếu niên và nhi đồng: “Bác đi Pháp mấy tháng. Nhớ các cháu luôn luôn. Chắc các cháu cũng luôn luôn nhớ Bác.Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu mang nhau đi đón Bác, có lẽ hơn mười vạn cháu. Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng chật hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười ca hát, vui vẻ như một đàn chim. Bác thấy cháu nào cũng mặt mũi vui tươi, áo quần sạch sẽ.Hỏi, thì cháu nào cũng biết chữ quốc ngữ. Bác mừng lắm. Nay Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:1. Phải siêng học; 2. Phải giữ sạch sẽ; 3. Phải giữ kỷ luật; 4. Phải làm theo đời sống mới; 5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em” [8].
- Tình cảm và tình yêu thương của Người không chỉ dành riêng cho đồng bào, đồng chí ở trong nước, mà đối cới các kiều bào ở nước ngoài, Người cũng hết mực quan tâm. Trong Thư gửi việt kiều ở Lào và Xiêm cho biết: “Các đồng bào tuy mình trú ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc. Còn Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế. Ngày nay, tuy nhờ sự đoàn kết của toàn dân mà nước nhà đã tranh lại quyền độc lập, nhưng chúng ta hãy còn nhiều sự khó khăn, hãy còn phải hy sinh, phấn đấu, mới đi đến sự nghiệp độc lập hoàn toàn. Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải kiên quyết nữa, phải đoàn kết nữa” [9].
2.Không ngừng giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên
Khi bàn về mối quan hệ giữa người cán bộ, đảng viên-những người được xem là công bộc của nhân dân, thì Người vừa nghiêm khắc phê bình, mặt khác lại chỉ bảo, gợi mở thêm để họ nhận thức được trách nhiệm và công việc của mình, qua đó đề cao tính phục vụ và lắng nghe nhân dân, tôn trọng nhân dân, có khuyết điểm trong công tác phải kịp thời sửa chữa, như trong bài viết về Người cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong hoàn cảnh hòa bình ngày nay, số đông cán bộ ta vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù chất phác, bền bỉ đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ. Song có một số cán bộ lầm tưởng hòa bình là thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạng và mắc nhiều khuyết điểm sai lầm. Để sửa chữa, thì cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức, nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái, thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng” [10].
Ngay đối với chính bản thân mình cũng vậy, khi nhận nhiệm vụ trước nhân dân, trước dân tộc, Người cũng nghiêm khắc kiểm điểm nhận lỗi về mình. Trong bàiTự phê bình, Bác Hồ đã thẳng thắng trước nhân dân:“Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân.Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ” [11].
Đối với Người, công tác cán bộ, công tác phát triển Đảng trong quần chúng, có ý nghĩa rất quan trọng, công tác cán bộ có tốt, thì công việc mới tốt và ngược lại. Chính vì vậy mà vào năm 1951, trong bài viết về Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào? Người đã thẳng thắn nêu rõ phẩm chất của người đảng viên phải có được, trong đó cũng nhắc tới tinh thần yêu dân, gần dân: “Thế nào mới xứng đáng là người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam?Tuyên ngôn của Đảng đã trả lời rõ câu ấy: Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Như thế là rõ.Ai mà không như thế, thì không xứng đáng là người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam… Nói chung, thì người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn:- Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết; - Phải ra sức tham gia công việc kháng chiến; - Phải gần gũi dân chúng, thương yêu giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng; - Phải giữ vững đạo đức cách mệnh là chí công vô tư” [12].
Tiếp tục bàn về Tiêu chuẩn của người đảng viên, đây cũng là nguồn gốc của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Đảng viên tốt thì Đảng mới mạnh”.Người đã căn dặn ràng khi phát triển Đảng phải phải xem trọng chất lượng,quyết không nên làm một cách ồ ạt, không nên tham nhiều, trong các tiêu chuẩn của người đảng viên có một yêu cầu là luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân: “Cần phải dựa vào sáu tiêu chuẩn của người đảng viên. Sáu tiêu chuẩn ấy là:1-Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; 2-Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng hẳn trên lập trường giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài; 3-Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng; 4-Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng; 5-Liên hệ chặt chẽ với quần chúng;6-Luôn luôn cố gắng học tập; thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình” [13].
Dưới bút danh Trần Lực, vào năm 1958, khi viết vềĐạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Học tập, Người đã nhấn mạnh đạo đức cách mạng là:“Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” [14].
Muốn trở thành người cán bộ tốt, một đảng viên tốt, muốn có một tổ chức tốt, đoàn kết và tiến bộ, Người đã nhấn mạnh tới tính dân chủ và phải tự phê bình, phê bình và sửa chữ. Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức, đoàn thể phải thẳng thắn tự phê bình và phê bình, theo quan điểm của Người thì: “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa” [15].
Đối với mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể hoặc mỗi đảng viên, trong thực tiễn công việc, đều rất cần tới công tác Dân vận, và khi bàn về công tác Dân vận, dưới bút danh X.Y.Z, Người đã nêu rất rõ: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? và Dân vận phải làm như thế nào? Vì ở đây, công tác dân vận có liên quan trực tiếp đến nhân dân, đồng thời nó chi phối sự thành bại trong công việc. Người viết: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng:Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được; Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ýkiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành […]. Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc […]. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” [16].
3. Quan ngại về các biểu hiện suy thoái, xa dân của cán bộ, đảng viên
Trong thực tiễn cách mạng, Người luôn luôn nhắc nhở và phê bình các cán bộ, đảng viên khi xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn, dẫn tới Bệnh máy móc và Bệnh quan liêu.
Khi bàn đến bệnh máy móc của một số cán bộ, đảng viên, Bác đã khéo léo và lấy ví dụ cụ thể từ cuộc sống để chỉ ra bệnh máy móc. Một mặt Người đã chỉ ra căn nguyên của bệnh máy móc, mặt khác Người cũng kiêm vai trò của người bốc thuốc để chữa bệnh này: “Một nhóm thợ đóng một cỗ xe ngựa rất khéo. Nhưng đóng rồi thì không dùng được. Vì cỗ xe to quá, đưa ra cửa phòng không lọt. Nghe câu chuyện đó, ai không cười những người thợ kia là ngốc.Song sự thật thì một số cán bộ ta vẫn thường "khoá cửa đóng xe" như những người thợ kia. Đó là họ mắc bệnh máy móc. Thí dụ:
- Một đoàn thể kia báo cáo rằng: 85 phần trăm hội viên đã được huấn luyện. Tài thật! Nhưng khi xét lại, thì chương trình huấn luyện vẫn là "ba giai đoạn, bốn mâu thuẫn", và 85 phần trăm hội viên được huấn luyện kia vẫn không hiểu rõ công việc thiết thực của mình là gì.
Bệnh máy móc ấy do đâu mà ra?
- Nó do bệnh chủ quan mà ra. Nó sẽ có hại gì?
- Nó sẽ làm hỏng công việc. Muốn chữa khỏi bệnh máy móc thì phải dùng cách gì?
- Đây là đơn thuốc chữa bệnh máy móc, bất kỳ việc to việc nhỏ:Phải xem xét kỹ lưỡng; Phải bàn bạc kỹ lưỡng; Phải hỏi dân kỹ lưỡng; Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân; Phải luôn luôn gần gụi dân. Mong rằng các cán bộ ta cố gắng chữa hết bệnh máy móc thì mọi việc sẽ đều thành công mau chóng” [17].
Còn trong bài viết Phải tẩy sạch bệnh quan liêu, với bút danh X.Y.Z, đăng trênBáo Sự thật, số 140, ngày 2-9-1950, Người viết: “Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân.Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh. Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải: - Luôn luôn gần gũi nhân dân; - Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân; - Học hỏi nhân dân; - Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế. Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.
Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; - Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân; - Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình; - Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” [18].
4. Nhận xét
Sẽ không có ngòi bút nào và lời văn nào có thể kể hết công lao, tình cảm, tài năng và cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, với Đảng ta.Những di sản của Người để lại cho chúng ta đến hôm nay là vô cùng đồ sộ, trong đó có tư tưởng và lý luận trong công tácxây dựng và tổ chức Đảng, công tác cán bộ.Những bài học Người căn dặnvề phẩm chất người cán bộ, người đảng viên; những bài học về biết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, tự phê bình và phê bình là vô cùng cần thiết. Vượt mọi thời gian, để ngày hôm nay, Đảng ta và nhân dân ta vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể, di sản đó vẫn mang tính thời sự thiết thực vàto lớn. Trong số đó còn phải kể tới những trăn trở của Người về những biểu hiện xa rời quần chúng, xa rời nhân dân, xa rời thực tiễn cách mạng của người cán bộ, đảng viên, và được biểu hiện, chuyển hóa cụ thể thành bệnh quan liêu, bệnh máy móc…đây là nguyên nhân khiến cho tính tổ chức và chiến đấu của Đảng ta yếu đi, và thực trạng này rất cần được khắc phục, chỉnh đốn.
Những di cảo, những di huấn và căn dặn của Người về công tác Đảng, công tác cán bộ, đặt trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của mỗi Chi bộ cơ sở và Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta cần thấm nhuần tư tưởng và lý luận của Người, để mỗi người cán bộ, mỗi đảng viên trong Viện Hàn lâm luôn luôn tâm niệm, luôn luôn khắc ghi trong suy nghĩvà mọi hành động của mình phải phục vụ hết mình và tận tụy vì dân, vì nước, xứng đáng là người công bộc, người đầy tớ của nhân dân; luôn luôn giữ vững phẩm chất trong sáng của người cán bộ, người đảng viên cách mạng.Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi nhà khoa học trong Viện Hàn lâm, nghiên cứu khoa học với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cũng là góp phần vào sự nghiệp phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đó là con đường gần nhất để chúng ta đến với nhân dân./.
_________________________________________
[1] Trong bài viết này, chúng tôi không thể bao quát hết các khía cạnh, các biểu hiện về tư tưởng thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chỉ có tính chất bước đầu nhận thức và nêu lên ở một vài khía cạnh nhỏ.
[2] Câu này trong bài Quan hải (Đóng cửa biển) của Nguyễn Trãi, xem chi tiết trong Viện Sử học: Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 281.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.260-261.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 13.
[5] Thư gửi các bạn phụ trách xe hơi Bắc Cạn, trongHồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1950-1952), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 41-42.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 40.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 883.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 959.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 357.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 480-482.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 271-272.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1950-1952), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 188.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 579-580.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 291.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8 (1955-1957), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 222-223.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1379-1381.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1950-1952), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 4-5.
[18] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 (1950-1952), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.88-89-90.
Nguồn: Chi bộ Viện Sử học