Sau nhiều thế kỷ thực hiện công nghiệp hóa, nhiều nguồn tài nguyên quý giá trên trái đất ngày càng khan hiếm hơn và hiện đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt như năng lượng, khủng hoảng nguồn nước, khoáng sản…. Hiện nay, thế giới chưa thực sự giải bài toán tìm nguồn khác có thể thay thế, chính vì vậy, sự xung đột tài nguyên đã và đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có khu vực Đông Nam Á. Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là khu vực có dân số đông. Châu Á tập trung nhiều nước đông dân vào loại nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh). Đặc biệt trong hai thập kỷ gần đây, khu vực này phát triển rất nhanh làm tăng cơn khát tài nguyên nói chung và các loại nguyên liệu nói riêng ở nhiều nước, điển hình là ở Trung Quốc, Ấn Độ.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, đặc biệt là đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á” do PGS.TS. Phạm Thái Quốc làm chủ biên.
Cùng với Lời nói đầu và phần Kết luận, nội dung của cuốn sách được thể hiện qua 3 Chương:
Chương 1. Cơ sở cho giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á
Chương này, nhóm tác giả hệ thống hóa và phân tích một số khía cạnh lý luận liên quan đến xung đột tài nguyên cũng như giải quyết xung đột tài nguyên nói chung. Đề cập đến các quy định pháp lý liên quan đến tài nguyên ở những vùng biển quốc tế và ở Biển Đông cũng như các quy dịnh pháp lý của quốc tế về tài nguyên nước ở những con sông chảy qua nhiều quốc gia, nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ sớm Việt Nam đã nhận thức được việc khai thác và sử dụng sông Mê Kông trong những năm gầy đây đã gây ra nhiều thách thức cho nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, do đó Việt Nam đã ký nhiều văn bản pháp lý quốc tế liên quan tới sông Mê Kông như: (i) Hiệp định Hợp tác Phát triền bền vững lưu vực sông Mê Kông; (ii) Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và một số quy định khác. Bên cạnh đó, nội dung chương này cũng tập trung phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực liên quan đến xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á.
Chương 2. Thực trạng giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á
Chương này đề cập đến diễn biến xung đột và thực tiễn giải quyết ba loại hình xung đột tài nguyên đã và đang diễn ra khá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á: (i) Xung đột tài nguyên nước ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông; (ii) Xung đột tài nguyên dầu khí ở khu vực Biển Đông; (iii) Xung đột tài nguyên thu hải sản. Nhóm nghiên cứu cho rằng, về cơ bản có hai bên tham gia chính trong xung đột là: Trung Quốc và các thành viên ASEAN, trong đó có Trung Quốc có thế lực kinh tế, quân sự, tài chính… có ưu thế vượt trội, đang rất khát tài nguyên để đáp ứng yêu cầu phát triển, lại có nhiều tham vọng. Để giành ưu thế trong giải quyết xung đột, Trung Quốc luôn biết né tránh những đòn mạnh, chỉ chủ trương đảm phán, giải quyết song phương, phản đối đa phương, phản đối quốc tế hóa giải các loại hình xung đột… Trong khi đó, một số nước lớn có xu hướng bênh vực các thành viên ASEAN, phản đối Trung Quốc dùng sức mạnh dọa nạt, ăn hiếp các nước láng giếng nhỏ hơn…
Chương 3. Triển vọng giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Trong chương này, nhóm tác giả tập trung so sánh, nhận xét về vai trò của ASEAN và của các nước lớn trong giải quyết xung đột tài nguyên, trên cơ sở đó phân tích và đánh giá triển vọng giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á, trong đó, ASEAN chỉ có thể đoàn kết, kiên trì đấu tranh lâu dài, dùng sức mạnh tập thể, dùng luật pháp quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc cũng như giải quyết triệt để các vấn đề trong nội bộ ASEAN trong quá trình giải quyết xung đột tài nguyên ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ sử dụng sức mạnh tập thể thì ASEAN mới có ưu thế hơn trong giải quyết xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy gần đây, tính tập thể của ASEAN có phần lỏng lẻo, và ASEAN đã và đang bị Trung Quốc chia rẽ…
Trên cơ sở phân tích nội dung ở chương 1 và 2, nhóm nghiên cứu đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc giải quyết xung đột tài nguyên hải sản và tài nguyên dầu khí ở Biển Đông; tài nguyên nước ở khu vực Mê Kông: Thứ nhất, các quốc gia phải cùng bàn bạc để hướng tới việc thiết lập một vùng đánh cá chung để có phương pháp quản lý riêng đối với Vùng Trắng và Vùng Xám; Thứ hai, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các Quốc gia trong khu vực cũng như sự lên tiếng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, trong đó: Tăng cường quyền lực cho Ủy hội sông Mê Kông, thúc đẩy sự hợp tác thiện chí của các nước thành viên và hướng tới chia sẻ lợi ích công bằng và đẩy mạnh ngoại giao nguồn nước; Thứ ba, các bên phải nỗ lực trong hợp tác đàm phán, thiện chí và đồng thuận thông qua cơ chế đàm phán, hợp tác ngoại giao, các bên liên quan có thể thông qua một tiến trình cụ thể để giải quyết vấn đề với từng giai đoạn cụ thể.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, hy vọng những nội dung của cuốn sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả quan tâm về chủ đề xung tài nguyên ở khu vực vực Đông Nam Á và hướng giải quyết vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội