07-07-2020
Chuyên đề: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
Năm: Năm 2019
Số: số 12 ;
Nội dung:
Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 34 tờ tạp chí (cả tiếng Việt và tiếng Anh). Hệ thống tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học mới không chỉ của cán bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mà của cả giới khoa học xã hội và nhân văn của nước ta và một bộ phận các nhà Việt Nam học ở các nước trên thế giới. Các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là các diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học, là nơi quảng bá kiến thức mới về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần vào việc nâng cao dân trí và giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với cộng đồng khoa học trên thế giới.Trong những năm gần đây, các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng xuất bản cả về nội dung và hình thức. Song, để tiếp tục nâng cao chất lượng khoa học, các tạp chí còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt việc tích cực phấn đấu để từng bước đạt các chuẩn mực quốc tế trong xuất bản tạp chí là điều ngày càng trở nên cần thiết. Bài viết này đưa ra một số giải pháp đổi mới hoạt động xuất bản tạp chí ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
2. Đổi mới công tác khai thác bản thảo
2.1. Phát huy vai trò của cộng tác viên trong khai thác bản thảo
Các tạp chí cần khích lệ cán bộ, viên chức chủ động, sáng tạo trong công tác khai thác bản thảo để đạt được hiệu quả cao nhất có thể. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên đã giúp cho các tạp chí có nhiều tin, bài phản ánh toàn diện, trung thực, kịp thời về kinh tế, xã hội, chính trị của Việt Nam và khu vực. Nhiều tin bài cập nhật, chính xác, đảm bảo tính thực tiễn sâu sắc. Hàng loạt các vấn đề dư luận quan tâm, những vấn đề nóng được cộng tác viên phản ánh sinh động trên các bài viết góp phần quan trọng tạo ra sức hấp dẫn của tạp chí khoa học xã hội với độc giả. Đây là những kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Cũng nhờ đó, mỗi năm, đội ngũ cộng tác viên của các tạp chí lại thêm đông đảo hơn, đa dạng hơn về thành phần, đối tượng tham gia. Tòa soạn duy trì được số cộng tác viên gạo cội và phát triển mới nhiều cộng tác viên có năng lực, kinh nghiệm viết bài, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các ấn phẩm của tạp chí.
2.2. Tăng cường hợp tác quốc tế trong khai thác bản thảo
Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có các tạp chí khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Điều đó đòi hỏi các tạp chí phải nâng cấp chất lượng xuất bản theo thông lệ quốc tế. Bởi, hội nhập là phải từ bên trong chứ không chỉ có hội nhập từ bên ngoài. Để giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ra quốc tế nếu không có sự chuẩn bị, không thực hiện tốt những giải pháp thì khó có thể nâng cấp chất lượng xuất bản tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Vì thế, một mặt, các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không thể đứng ngoài quỹ đạo hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học; mặt khác, các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác, tuyển chọn bài viết của các học giả có uy tín ở nước ngoài; phản biện quốc tế bài báo; tổ chức các hội thảo quốc tế về nâng cao chất lượng xuất bản tạp chí. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xuất bản tạp chí khoa học trên cơ sở: hàng năm Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức các hội thảo báo chí quốc tế, một mặt giới thiệu tạp chí khoa học với các tổ chức khoa học quốc tế, mặt khác học tập kinh nghiệm xuất bản tạp chí khoa học của các tạp chí quốc tế; định kỳ cử cán bộ tạp chí đi công tác nước ngoài làm việc, học tập kinh nghiệm xuất bản của các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín cao; mời các nhà quản lý, nhà xuất bản tạp chí quốc tế đến Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm xuất bản tạp chí.
3 .Đổi mới công tác biên tập của tạp chí
3.1. Trình bày tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế
Xây dựng khung khổ quy định chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về xuất bản tạp chí khoa học theo các tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu, bao gồm:
Bài báo khoa học gồm các phần chủ yếu: giới thiệu (Introduction) không quá 800 từ, vấn đề nghiên cứu là gì và giới thiệu các thông số nghiên cứu; phương pháp (Methods) – nghiên cứu vấn đề như thế nào, phải trình bày như thế nào để người khác có khả năng lập lại nghiên cứu; kết quả và thảo luận (Results and discussion) – nghiên cứu tìm được kết quả gì, trình bày số liệu. Các kết quả tìm được có ý nghĩa gì? thảo luận và giải thích kết quả; kết luận và đề nghị (Conclusions and recommendation); tài liệu tham khảo (References).
3.2 Nâng cao trình độ đội ngũ biên tập viên của các tạp chí
Yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản nói chung, cán bộ làm công tác xuất bản tạp chí khoa học nói riêng, đặc biệt là các biên tập viên, bên cạnh sự cần cù, chịu khó và cẩn thận, phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài kiến thức chuyên sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản tạp chí khoa học phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, tin học và thậm chí cả những kiến thức khoa học – công nghệ cần thiết, để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng...
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xuất bản tạp chí khoa học. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo là nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị làm công tác xuất bản nhằm đảm bảo về chất lượng, số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng. Hàng năm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nên mở những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn xuất bản tạp chí khoa học cho các cán bộ làm tạp chí, đặc biệt các cán bộ trẻ nhằm nâng cao trình độ biên tập. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ tạp chí khoa học, đặc biệt đội ngũ biên tập viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ báo chí trong xuất bản tạp chí.
4. Đổi mới công tác quảng bá và phát hành tạp chí
Hiện nay, các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm mới chỉ phát hành theo lối truyền thống qua các kênh: Công ty phát hành báo chí Trung ương, bán lẻ tại các nhà sách, gửi trao đổi, biếu tặng và bán lẻ... Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cần phải chú ý đến phát hành qua mạng. Hướng phát hành này sẽ giải quyết được tính cấp thiết, rút ngắn khoảng cách địa lý. Các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm cũng cần có các ấn phẩm tạp chí điện tử cho phù hợp với xu thế hiện nay. Xuất bản điện tử trước hết là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu số chung của hệ thống tạp chí khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm, từ đó có điều kiện phát hành theo các kênh của các nhà xuất bản quốc tế, qua các trang mạng xã hội sử dụng ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng hợp tác, giao lưu, liên kết, quảng bá, tiếp cận bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới. Bất cập có thể nhìn thấy hiện nay là thiếu một cơ chế phối hợp chung do Viện Hàn lâm chỉ đạo, trong khi nhiều tạp chí vẫn có xu hướng lo ngại việc xuất bản bản điện tử sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phát hành bản giấy. Các tạp chí khoa học có website riêng hoặc hệ thống trực tuyến trong quản lý xuất bản tạp chí. Các thông tin trên website được cập nhật giống như bản in của tạp chí giấy.
5. Xuất bản tạp chí khoa học điện tử
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa, internet kết nối vạn vật trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot in 3D... đã và đang tạo ra thay đổi đột biến trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm. Trong tình hình đó, xuất bản không “lụi tàn” mà trái lại sẽ ngày càng phát triển trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, công nghệ in trên giấy truyền thống đang chia sẻ và trong vòng nửa thế kỷ tới, dần bị chiếm lĩnh bởi công nghệ xuất bản điện tử với sự xuất hiện sách điện tử và các thiết bị đọc điện tử. Ngành xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet, di động, môi trường công nghệ số được phát huy “toàn lực”, không bị phụ thuộc vào các yếu tố, điều kiện sản xuất và phát hành truyền thống, để ấn phẩm đến được tay độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, tiện ích nhất. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sách và bản quyền trên toàn cầu ít bị giới hạn bởi các yếu tố khách quan, chủ quan... Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp xuất bản. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc các chủ thể của ngành phải thay đổi về tư duy, cách thức làm việc trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành của mình. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không kịp thời ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản, không có đủ điều kiện về nguồn vốn, trang thiết bị hiện đại, sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường. Chính vì vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần cho phép một số tạp chí lớn trong Viện được xuất bản tạp chí điện tử.
6.Tăng cường kinh phí cho hoạt động xuất bản tạp chí
Tăng cường đầu tư tài chính cho công tác xuất bản tạp chí khoa học, bao gồm: (1) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tập trung hạ tầng thông tin và đội ngũ nhân viên kỹ thuật đảm bảo bộ máy tạp chí và toàn bộ quy trình xuất bản tạp chí được vận hành có hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây là điều quan trọng thiết yếu, bởi quy trình xuất bản tạp chí từ khi bản thảo được gửi đến tạp chí đến khi được công bố trên tạp chí đều do cơ quan tạp chí thực hiện trực tuyến; (2) duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội đồng Biên tập; phản biện kín bài báo; (3) đảm bảo cho các tạp chí có thể sử dụng dịch vụ xuất bản trực tuyến tại các nhà xuất bản lớn trên thế giới. Ví dụ tham gia xuất bản trực tuyến với Elsevier –Nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới hiện nay; hay với Nhà xuất bản Springer - Nature hiện đang sở hữu hoặc đồng sở hữu khoảng 2.500 tạp chí khoa học chuyên ngành bằng tiếng Anh và 200 ấn bản tiếng Đức và cổng thông tin tra cứu SpringerLink.
7.Kết luận
Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều mặt, trong đó có hội nhập xuất bản tạp chí. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không thể nằm ngoài quỹ đạo hội nhập xuất bản tạp chí. Để có thể hội nhập thành công, các tạp chí cần thực hiện những giải pháp đổi mới hoạt động xuất bản tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, các tạp chí không nhất thiết giống nhau hoàn toàn nhưng cũng không nên khác biệt nhiều. Hơn nữa, các tạp chí cần thống nhất một hình thức trình bày cơ bản chung theo một trong những tạp chí được xếp hạng trong danh mục các tạp chí thuộc hệ thống Scopus hoặc ISI. Hình thức của tạp chí tuy không quan trọng bằng nội dung nhưng thể hiện tính chuyên nghiệp của tạp chí khoa học, giúp các tác giả lưu ý và cẩn trọng hơn về nội dung, giúp người đọc dễ hiểu. Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động của các tạp chí theo hướng hội nhập quốc tế, phấn đấu để các tạp chí của Viện Hàn lâm nhanh chóng được xếp hạng trong danh mục các tạp chí thuộc hệ thống Scopus hoặc ISI, các tạp chí của Viện Hàn lâm cần phải thực hiện đổi mới hoạt động xuất bản tạp chí.
Hiện nay, ở Việt Nam nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, chưa có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng xuất bản các tạp chí khoa học theo hướng hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Công bố khoa học đang được sử dụng như là thước đo đánh giá các giảng viên, nhà khoa học và cơ sở giáo dục đại học trên nhiều lĩnh vực nhưng bản thân nó, ở đây là các tạp chí, lại chưa có các tiêu chí chuẩn mực làm thước đo. Chính vì vậy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần sớm xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng xuất bản tạp chí khoa học. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong quản lý, đổi mới hoạt động xuất bản tạp chí tại Viện Hàn lâm.
Xem thêm tạp chí khác:
Hành vi tôn giáo của thanh niên Hà Nội và ảnh hưởng của nó trong mối quan hệ gia đình hiện nay
Lý thuyết về xung đột tộc người, tôn giáo
Quản trị quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Biến đổi phong tục, tập quán của người Mông ở khu vực Tây Bắc dưới tác động của đạo Tin lành
Nghiên cứu, biên soạn Bách khoa toàn thư ẩm thực Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Tái cấu trúc nền kinh tế từ góc độ động lực phát triển trong giai đoạn mới
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới mới