Nghề thủ công và làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của một số tộc người thiểu số tỉnh Hà Giang: Giá trị, chính sách và giải pháp bảo tồn, phát huy

Nghề thủ công và làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của một số tộc người thiểu số tỉnh Hà Giang: Giá trị, chính sách và giải pháp bảo tồn, phát huy

06-07-2020

Tạp chí Dân tộc học

Năm 2019

Số 5 ;

Tóm tắt: Đến nay, nghề thủ công vẫn rất quan trọng trong đời sống sinh kế của một số tộc người, ngay cả ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Nhận thức rõ được thế mạnh và tiềm năng đó, tỉnh Hà Giang đã khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của một số tổ chức và quyết tâm của người dân, nhiều nghề và làng nghề thủ công trên địa bàn tỉnh đã được bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Từ việc phân tích những thách thức đang đặt ra như thiếu vùng nguyên liệu, chậm đổi mới công nghệ, khó tiệu thụ tại chỗ và tiếp cận thị trường bên ngoài, chưa phát huy hết tiềm năng phục vụ du lịch..., bài viết này chỉ ra những hạn chế về chính sách và đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả hơn nữa những giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu của các nghề và làng nghề thủ công trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.

Từ khóa: Nghề thủ công, làng nghề thủ công, tộc người thiểu số, tỉnh Hà Giang.

Mở đầu

Với mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản đã lan tỏa không chỉ trên khắp nước này mà còn được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở châu Á, châu Phi. Việt Nam là nước nông nghiệp với hơn 80% dân số sống ở nông thôn nên việc phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và các sản phẩm mỗi vùng miền nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, nhận thức được giá trị các nghề và làng nghề truyền thống, Chính phủ và các bộ/ban/ngành đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề trên phạm vi cả nước, trong đó cần kể đến các Nghị định quan trọng như Nghị định 66/2006/NĐ-CP; Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định 98/2010/NĐ-CP với chủ trương duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống;...

Trên tinh thần đó, tỉnh Hà Giang cũng rất chú trọng phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống dựa vào lợi thế và tiềm năng sẵn có  nhằm tạo việc làm cho người lao động, phục vụ du lịch, góp phần bảo tồn văn hóa các tộc người. Tỉnh Hà Giang đã đầu tư có trọng điểm vào các nghề, làng nghề có tiềm năng để thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói”, nhất là phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề. Để làm rõ những giá trị văn hóa độc đáo của nghề thủ công và làng nghề thủ công tiêu biểu của tỉnh Hà Giang trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đề xuất chính sách và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong bối cảnh mới, tác giả đã tiến hành khảo sát một số nghề và làng nghề thủ công tiêu biểu tại 4 huyện của tỉnh Hà Giang, cụ thể là: 1) Những nghề và làng nghề đã được chính quyền địa phương công nhận[1], gồm: dệt lanh của người Hmông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ; rượu ngô men lá của người Hmông ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ; đan lát của người Cơ Lao ở thôn Mã Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; thêu dệt của người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn; rượu nếp của người Tày ở thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần; dệt vải của người La Chí ở thôn Na Léng, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì...; 2) Những nghề chưa được chính quyền địa phương công nhận nhưng đã có sản phẩm hàng hóa, phục vụ du lịch, gồm: dược liệu của người Dao ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ; chạm bạc của người Hmông ở thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; đan lát của người Tày ở thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần; dệt vải của người Dao ở thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì;...

1. Giá trị văn hóa độc đáo của một số nghề và làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế của dân cư trên địa bàn, thời gian qua, các cơ quan/ban/ngành của tỉnh Hà Giang đã tập trung khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, phối kết hợp và gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề. Từng địa phương cũng rất quan tâm tuyên truyền nhằm khôi phục lại các làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự quyết tâm của người dân, các làng nghề được mở rộng, tạo ra hàng loạt sản phẩm đa dạng về mẫu mã và có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và làm quà lưu niệm cho du khách trong và ngoài nước. Các nghề truyền thống tiêu biểu có thể kể đến ở Hà Giang như dệt vải, đan lát, làm giấy bản, chạm bạc, rèn đúc, làm khèn,... Trong bối cảnh đương đại, tuy chịu cạnh tranh khốc liệt với ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhưng một số nghề, làng nghề thủ công vẫn khẳng định được những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.1. Bảo tồn văn hóa tộc người

Tri thức dân gian trong các hoạt động của nghề thủ công là vô cùng phong phú, có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa. Sản phẩm thủ công của mỗi tộc người đều thể hiện những giá trị văn hóa đặc sắc riêng với các thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Quá trình phục hồi, phát triển các nghề và làng nghề đã từng bước nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của chính họ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề ở các huyện, thành phố phối hợp với các nghệ nhân mở nhiều lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người dân, phát triển đội ngũ kế thừa. Do đó, tri thức dân gian của cha ông đang được lớp trẻ tiếp nối. Khi bước chân vào hợp tác xã (HTX) Lùng Tám, chúng tôi bắt gặp những em bé Hmông cả trai và gái đang cặm cụi thêu thùa, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa giúp phát huy nghề truyền thống gia đình. Ở thôn Nậm Đăm, ngoài giờ học, trẻ em người Dao theo cha mẹ đi tìm cây thuốc trên rừng và tham gia các công đoạn sơ chế sản phẩm để bán cho HTX dược liệu. Với việc giới thiệu, quảng bá qua du khách và các công ty du lịch, tri thức và văn hóa các tộc người đã từng bước vươn ra thế giới. Sản phẩm của HTX dệt lanh Lùng Tám được khách hàng nhiều nước biết đến như Pháp, Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản,... Các sản phẩm dược liệu của người Dao cũng dần tiếp cận một số thị trường tiềm năng như Thụy Sĩ, Hà Lan,...

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài 274km, giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Với 4 cửa khẩu lớn, 3 cửa khẩu phụ, hơn 30 chợ biên giới và một số lối mở dọc tuyến biên giới, tỉnh Hà Giang có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác. Song, bên cạnh những cơ hội thuận lợi cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý biên giới như việc người dân ở khu vực biên giới xuất cảnh trái phép để kiếm việc làm hoặc kết hôn không khai báo, hay nhiều trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, mà còn là sự xâm nhập ồ ạt các sản phẩm văn hóa, hàng tiêu dùng từ bên kia biên giới. Từ đó, văn hóa một số dân tộc ở tỉnh Hà Giang hiện nay vừa chịu ảnh hưởng văn hóa của các tộc người trong nước, nhất là của người Kinh, vừa có sự giao lưu với văn hóa của các tộc người ở quốc gia láng giềng. Riêng vấn đề trang phục, ngoài xu hướng sử dụng trang phục của người Kinh đã khá phổ biến ở lớp trẻ thì nghề dệt thủ công của các dân tộc còn phải cạnh tranh với những loại trang phục, trang sức, vải vóc, chỉ thêu và các phụ kiện dệt may nhập từ Trung Quốc hiện được bày bán tràn ngập các chợ vùng cao với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý. Cây bông, lanh và nghề dệt vải dần vắng bóng trước sự áp đảo của các loại vải sợi tổng hợp, sợi ni-lông; nghề chạm bạc cũng bị thu hẹp do xuất hiện những bộ trang sức cách tân, làm bằng nhôm, thiếc nhập về từ Trung Quốc. Theo bà Vũ Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, khoảng 90% người Hmông ở huyện này đang sử dụng trang phục, trang sức mua từ Trung Quốc. Vì vậy, duy trì và phát huy các giá trị của nghề và làng nghề truyền thống còn góp phần bảo tồn văn hóa của mỗi tộc người trong xu thế giao lưu, hội nhập. Vấn đề này càng có ý nghĩa, khi các dân tộc Cơ Lao, Lô Lô, Pu Péo... là những dân tộc có dân số ít (dưới 10.000 người) gặp những bất lợi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng lại được hỗ trợ để “hồi sinh” nghề thủ công. Đối với họ, ngoài mục tiêu cải thiện sinh kế, việc phục hồi và phát triển nghề thủ công còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa tộc người trong cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

1.2. Thúc đẩy hoạt động du lịch

- Mô hình “du lịch cộng đồng”: Đến năm 2017, toàn tỉnh Hà Giang đã ra mắt được 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ); trong đó cần ghi nhận sự tham góp của một số nghề thủ công trong việc phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm cũng như sản xuất quà lưu niệm cho du khách. Nghiên cứu cho thấy, những LVHDLCĐ đón được lượng khách cao nhất trong tỉnh thường có nghề thủ công truyền thống, nơi du khách được tìm hiểu và trải nghiệm các sản phẩm du lịch làng nghề, mà tiêu biểu là LVHDLCĐ Nậm Đăm. Theo thống kê của UBND xã Quản Bạ, từ năm 2012 đến nay, làng này đã đón trên 10.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan; riêng năm 2018 đã đón được 5.380 khách, tăng 1.256 khách so với năm 2017. Có được thành quả này, không thể phủ nhận vai trò của HTX cộng đồng Nậm Đăm với nghề làm dược liệu của người Dao. Sự ra đời của HTX này đã giúp Nậm Đăm đáp ứng được một trong 10 tiêu chí theo tuyên bố Panhou đối với LVHDLCĐ là “có nghề truyền thống” mà UBND tỉnh đã đề ra năm 2012 tại Hội nghị triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với “Nông thôn mới”. Với diện tích 23ha các loại cây trồng cung ứng cho HTX và hệ thống máy móc, dụng cụ hiện đại, từ cây dược liệu thô, HTX đã chưng cất thành các sản phẩm như cao atiso, cao mạnh gân, cao đương quy, trà gừng cao nguyên đá, thuốc tắm,... Ngoài trưng bày, giới thiệu và bán cho du khách tại một gian hàng đặt ở thôn, các sản phẩm của HTX còn được bày bán tại cửa hàng ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và các hội chợ để giới thiệu với người tiêu dùng trên cả nước. Theo báo cáo của HTX, năm 2018, tổng doanh thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ và dịch vụ tắm lá thuốc là 1,63 tỷ đồng; trong đó riêng dịch vụ tắm lá thuốc nam đã thu hút được trên một triệu lượt du khách tham gia trải nghiệm. Không chỉ được thư giãn bằng bài thuốc tắm cổ truyền, du khách sau khi trải nghiệm còn có thể mua sản phẩm thuốc tắm đóng chai, cao thuốc tắm về làm quà. Sản phẩm dược liệu, nhất là dịch vụ tắm lá thuốc dành cho du khách đã góp phần quan trọng giúp Nậm Đăm trở thành một điểm đến hấp dẫn và được chính quyền huyện Quản Bạ xem là mô hình điểm để xây dựng những làng văn hóa khác.

- Mô hình “du lịch làng nghề”: Qua mô hình này, du khách vừa được mục sở thị các quy trình sản xuất sản phẩm, vừa được trải nghiệm từng công đoạn sản xuất. Một số tour du lịch làng nghề đang được các huyện tích cực khai thác, trong đó HTX dệt lanh Lùng Tám là một điểm sáng. Ngoài các đơn đặt hàng trong và ngoài nước đối với sản phẩm đang tăng lên theo thời gian, làng nghề này còn là một điểm đến hấp dẫn du khách tới tham quan. Đường nét hoa văn tinh tế, kỹ thuật độc đáo, đội ngũ nghệ nhân tài hoa và cả những truyền thống tốt đẹp của “văn hóa làng nghề” đã đưa xã Lùng Tám thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ tự cung tự cấp, theo chân du khách, sản phẩm lanh đã trở thành hàng lưu niệm, đồ trang trí... được ưa chuộng ở trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Ngoài tiêu thụ tại địa phương, các sản phẩm như dệt vải của người Lô Lô xã Lũng Cú, đan lát của người Tày xã Quảng Nguyên hoặc người Cơ Lao xã Sính Lủng, rượu ngô men lá của người Hmông xã Thanh Vân, rượu hoẵng của người Tày xã Quảng Nguyên..., cũng được sử dụng và bày bán cho khách nghỉ homestay, tại các khu du lịch, nhà hàng ở địa phương và một số tỉnh thành trong cả nước.

1.3. Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo

Nghề thủ công của các dân tộc đã tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, cải thiện sinh kế, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, với tổng số hộ tham gia là 1.971, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương (Phạm Văn Phú, 2018). HTX cộng đồng Nậm Đăm dù mới thành lập từ năm 2012 nhưng đã giải quyết việc làm cho 29 thành viên với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, rất nhiều hộ gia đình trong thôn tuy không phải thành viên nhưng cũng được hưởng lợi từ việc trồng và bán nguyên liệu cho HTX. Năm 2018, thôn Nậm Đăm chỉ còn 01 hộ nghèo (5,8%) thu nhập bình quân các hộ trong thôn đạt khoảng 50 triệu đồng/hộ/năm. Theo ông Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nậm Đăm, nhiều người dân trong thôn muốn là thành viên của HTX nên mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo việc làm cho khoảng 100 lao động tại đây. Sản phẩm của HTX rượu ngô Thanh Vân đã có mặt ở nhiều tỉnh thành miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên..., với bình quân 80.000 lít rượu được bán ra mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 40 hộ xã viên với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt lanh ở HTX Lùng Tám không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân mà còn thúc đẩy phát triển du lịch cho huyện Quản Bạ. Năm 2018, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng, hơn 120 hội viên đã có nguồn thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ở thôn Lao Xa, nguồn thu 4 - 5 triệu đồng/tháng/người của những người thợ chạm bạc cũng là rất đáng kể so với sản xuất nông nghiệp. Dù còn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhưng 14/45 hộ người Cơ Lao ở thôn Mã Trề vẫn đang duy trì đều đặn công việc đan lát, đem lại nguồn thu ổn định khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Nhìn chung, với nguồn thu từ nghề thủ công, tỷ lệ hộ nghèo ở các làng nghề thủ công luôn thấp hơn so với các làng thuần nông. Cũng như các tỉnh miền núi khác, lao động nông thôn tỉnh Hà Giang đang dồi dào, trong khi thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh do diện tích giảm và chất lượng đất xấu lại chịu tác động của thiên tai; công việc làm thuê hoặc làm ăn xa luôn tiềm ẩn những rủi ro;... Vì vậy, vấn đề chuyển đổi một bộ phận lao động từ sản xuất nông nghiệp sang nghề thủ công gắn với phục vụ sản xuất và du lịch tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở các làng nghề là một hướng đi đúng đắn và cần thiết. “Ly nông bất ly hương” không chỉ là niềm mong mỏi của mỗi người dân nông thôn, miền núi mà còn góp phần tăng cường mối gắn kết tình làng nghĩa xóm, hạn chế tình trạng di dân tự do và vượt biên đi làm ăn bất hợp pháp ở các nước láng giềng, đảm bảo trật tự xã hội địa phương và an ninh quốc gia.

1.4. Bảo vệ môi trường sinh thái

Môi trường thế giới đang bị ô nhiễm không chỉ bởi các khu công nghiệp, khí thải mà còn rác thải từ chính vật dụng mà con người sử dụng hằng ngày, vì thế “trở về với tự nhiên” đang và sẽ là xu hướng tiêu dùng của thế giới, nhất là ở các nước phát triển, những xã hội văn minh. Do đó, nhiều làng nghề ở Hà Giang tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường với chất lượng, giá trị ngày càng được nâng lên. Nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống không những được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Ở HTX cộng đồng Nậm Đăm, nguồn gen cây thuốc tắm của người Dao đã được bảo tồn thông qua các hoạt động thu hái bền vững từ rừng; nhân giống, chăm sóc cây thuốc tại vườn hộ gia đình; đồng thời các xã viên cũng nghiên cứu trồng lại một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Đến nay, HTX đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài cây, số lượng loài đang tiếp tục bổ sung, nhân giống. Với mục tiêu bảo vệ, thân thiện với môi trường, nguồn nguyên liệu của HTX được áp dụng kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới), đảm bảo môi trường chế biến an toàn. Những sản phẩm dược liệu của HTX được chứng nhận không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học, hóa chất.

Cùng với sự “hồi sinh” nghề đan lát của người Cơ Lao (thôn Mã Trề, xã Sính Lủng) và người Tày (thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên), nghề dệt vải của người Hmông (xã Lùng Tám) hoặc người Lô Lô (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú)..., các cây nguyên liệu cổ truyền như tre, trúc, mây, bông, lanh dần dần được phục hồi. Để ổn định nguyên liệu sản xuất, gần đây HTX dệt lanh Lùng Tám vận động xã viên mở rộng vài hecta cây lanh mỗi năm. Đây là loại cây dễ trồng ở nơi khí hậu mát mẻ, không cần nhiều nước, không ưa phân bón. Sản phẩm lanh Lùng Tám khiến khách nước ngoài ưa chuộng là do dệt từ sợi lanh tự nhiên, không pha sợi tổng hợp, vì thế có ưu điểm là mát, nhẹ, dễ bị phân hủy và được xem là “thân thiện với môi trường”. Tại thôn Mã Trề, thay vì chỉ khai thác nguyên liệu sẵn có trên rừng, mỗi hộ người Cơ Lao cũng đang tích cực trồng các loại tre, trúc quanh nơi cư trú - những loài cây vốn có sức sống mãnh liệt, không đòi hỏi kỹ thuật hay công sức chăm sóc. Các loại cây trồng này còn góp phần bảo vệ môi trường đất; vì thế ở những nơi đất bị thoái hóa, bạc màu thì người dân trồng tre, trúc như một cách để khôi phục dinh dưỡng đất đai.

Ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ngày càng phát triển đã khiến các sản phẩm thủ công truyền thống mất dần chỗ đứng. Do lợi thế về giá thành, các sản phẩm công nghiệp đang dần chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang được chứng kiến sự “lên ngôi” của các sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ cao, có sự kết tinh tài năng, tâm huyết của những người thợ, thấm đẫm văn hóa tộc người, nhất là an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Chính những giá trị ấy sẽ khiến cho sản phẩm thủ công truyền thống vẫn còn chỗ đứng trên thị trường tương lai.

         2. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các nghề, làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Giang thời gian qua

2.1. Chính sách và những kết quả đạt được

Nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch, những năm qua tỉnh Hà Giang đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, đẩy mạnh công tác quản lý, lồng ghép các nguồn kinh phí nhằm giúp các làng nghề tạo ra những sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tộc người và địa phương.

Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 - 2015, gắn với triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề với nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia; mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 tại Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 1/6/2012 và giao cho các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể các cấp, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, phạm vi quản lý tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động đến người dân. Chương trình 62-CTr/TU ngày 29/3/2013 của Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2013 - 2020 cũng đặt ra nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống. Năm 2016, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND về “Phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, giai đoạn 2016 - 2020”; chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành chức năng tập trung khôi phục, đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát triển các làng nghề; trong đó đầu tư có trọng điểm vào một số nghề khả thi, có hiệu quả khai thác cao. Để khuyến khích phát triển du lịch, Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang được ban hành ngày 21/7/2016 đã quy định rõ chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, như: các sản phẩm thuộc các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận hoặc đã có dự án đầu tư phát triển làng nghề mà UBND cấp huyện phê duyệt thuộc quy hoạch phát triển làng nghề của tỉnh được hỗ trợ 20 triệu đồng/1 tổ chức, cá nhân; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc vừa sản xuất vừa hoạt động kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian 3 năm, mức tiền vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian 3 năm, mức tiền vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 200 triệu đồng/hợp tác xã, làng nghề thủ công truyền thống được UBND tỉnh công nhận hoặc đã có dự án đầu tư phát triển làng nghề do UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc quy hoạch phát triển làng nghề theo từng giai đoạn của tỉnh.

Ngoài các văn bản trên, mỗi huyện, xã thuộc tỉnh cũng xây dựng, triển khai các Nghị quyết, Quyết định, Đề án, Kế hoạch, Chương trình hành động... về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó có việc khai thác giá trị các nghề, làng nghề truyền thống. Hàng loạt quyết định phê duyệt đề án xây dựng các LVHDLCĐ được các huyện ban hành, tạo nên những điểm và tuyến du lịch đồng bộ với các sản phẩm văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, vùng miền. Từ đó, nghề và làng nghề truyền thống của các dân tộc trong tỉnh không ngừng mở rộng, phát triển.

Từ những chính sách trên, các hoạt động phát triển nghề và làng nghề thủ công truyền thống đã được triển khai tích cực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh như thẩm định các hồ sơ công nhận nghề, làng nghề truyền thống; quy hoạch phát triển các cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, hỗ trợ kinh phí hợp phần khuyến công cho làng nghề; tìm kiếm, dự báo thị trường, triển khai xúc tiến thương mại; quản lý, bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch gắn với các làng nghề,... Như đã trình bày ở trên, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 39 làng được công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống; thợ giỏi nghề được công nhận là nghệ nhân ưu tú hoặc nghệ nhân dân gian; lớp truyền dạy được mở tại các trường học và các địa phương;... Đặc biệt, gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới, các HTX nghề thủ công được hình thành và ngày càng thể hiện được vai trò trợ giúp cho các hộ, nhóm hộ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình...

2.2. Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện chính sách

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của một số nghề, làng nghề thủ công trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang vẫn tồn tại những bất cập, cần bổ sung và hoàn thiện về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là một số vấn đề sau:

- Một là, vấn đề đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Đây là tình trạng khó khăn chung của các nghề và làng nghề được khảo sát. Việc mở rộng quy mô sản xuất ở HTX cộng đồng Nậm Đăm khó thực hiện khi HTX chưa chủ động được nguồn dược liệu. Vào mùa du lịch, nhu cầu tắm lá thuốc của du khách tăng cao, nên sản phẩm của HTX không đủ phục vụ. Để khắc phục, HTX đã phải mua thêm nguyên liệu ở nơi khác, và như vậy chất lượng nguồn nguyên liệu đã nằm ngoài tầm kiểm soát của HTX. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ đầu tư sản xuất giống, bán hoặc cấp cho bà con trong huyện để mở rộng vùng dược liệu. Tương tự, vấn đề này cũng xảy ra đối với các thành viên HTX dệt lanh Lùng Tám, HTX thêu dệt làng Lô Lô Chải,... Cơ hội tiếp cận thị trường thế giới của sản phẩm lanh Lùng Tám là rất khả thi, nhưng nguồn nguyên liệu để mở rộng sản xuất lại là bài toán khó cho HTX này. Quỹ đất hạn hẹp, triển vọng của nghề cũng chưa đủ thuyết phục người Hmông nơi đây bỏ ngô lúa để trồng lanh. Ở HTX thêu dệt làng Lô Lô Chải, thay vì trồng bông dệt vải như truyền thống, nay một phần nguyên liệu của HTX này lại là do mua vải lanh của một số thành viên người Hmông tự trồng lanh, dệt vải hoặc thu mua thêm ở quanh vùng; phần còn lại là vải sợi công nghiệp mua từ nơi khác của tỉnh Hà Giang, Hà Nội, hoặc từ Trung Quốc. Giữ được nghề trồng bông, dệt vải để sản phẩm làm ra hoàn toàn mang đặc trưng của người Lô Lô nói riêng hay các dân tộc khác nói chung là thị hiếu và nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Chủ nhiệm HTX thêu dệt làng Lô Lô Chải - bà Vàng Thị Xuyến đã nói: “Do không còn trồng bông, dệt vải nên các sản phẩm của HTX được bán ra thị trường là sự kết hợp giữa kỹ thuật trồng lanh, xe sợi, dệt vải của người Hmông với kỹ thuật nhuộm, khâu, thêu của người Lô Lô. Đây cũng là lý do khiến các sản phẩm làm ra chưa thực sự làm hài lòng khách hàng nước ngoài”. Riêng nghề đan lát của người Cơ Lao ở thôn Mã Trề hay người Tày ở thôn Quảng Hạ, do rừng bị thu hẹp, nguyên liệu tre, trúc tại chỗ luôn thiếu, nhiều lúc phải nhập từ các nơi khác đã làm tăng giá thành sản phẩm. Như vậy, chỉ khi chủ động được nguồn nguyên liệu, các nghề, làng nghề mới có thể tính đến việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị đặc trưng của sản phẩm, thực hiện mục tiêu phát triển quy mô sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.

- Hai là, vấn đề đổi mới công nghệ. Do hỗ trợ của chính quyền và một số tổ chức quốc tế nên chỉ một số nghề như dược liệu ở Nậm Đăm hay dệt lanh ở Lùng Tám mới có thể đổi mới được công nghệ, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới thị trường rộng lớn. Các làng nghề khác, vì chậm đổi mới công nghệ, thiếu trang thiết bị hiện đại đã dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mẫu mã giản đơn nhưng giá thành sản phẩm lại cao, sức cạnh tranh thấp. Theo một số thợ đan lát ở thôn Mã Trề hay Quảng Hạ, giá thành sản phẩm chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra, khi mang đi giới thiệu và bày bán tại các chợ, hội chợ..., sức tiêu thụ rất chậm do phải cạnh tranh với những sản phẩm ở địa phương khác về độ bền đẹp, thẩm mỹ và giá cả. Việc thường xuyên cải tiến mẫu mã, sử dụng máy móc để giảm chi phí đầu vào một số công đoạn sản xuất (như máy chẻ nan, sấy khô, đánh bóng trong đan lát; máy bật bông, tách hạt, xe sợi trong dệt vải...) là đòi hỏi tất yếu để sản phẩm thủ công có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên vấn đề này chưa thực sự được quan tâm hoặc đã được quan tâm nhưng do cách thức triển khai còn bất cập nên chưa đem lại hiệu quả ở một số điểm khảo sát[2].

- Ba là, vấn đề bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND được xem là văn bản thể hiện quan tâm của tỉnh về hỗ trợ phát triển các nghề thủ công, trong đó quy định các mức hỗ trợ lãi suất tiền vay đối với tổ chức/cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề thủ công phục vụ du lịch. Song, sau gần 3 năm triển khai, rất ít hộ sản xuất có nhu cầu được hỗ trợ; vì theo họ khi thị trường tiêu thụ và kiến thức về sản xuất, kinh doanh còn hạn chế như hiện nay thì vốn tài chính chưa thật cấp thiết. Việc gắn nghề, làng nghề thủ công với phát triển du lịch mới chỉ bước đầu thành công ở một số mô hình du lịch cộng đồng (thôn Nậm Đăm) hay du lịch làng nghề (xã Lùng Tám). Số còn lại, dù sản phẩm đã tham gia trưng bày tại các hội chợ, các điểm du lịch nhưng vẫn chưa “kết nối” được với người tiêu dùng, du khách. Chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo, tính thời trang... chưa thể cạnh tranh với sản phẩm của địa phương khác. Ngay tại các LVHDLCĐ như Lô Lô Chải, Quảng Hạ, Na Léng… thì nghề truyền thống ở đây vẫn mờ nhạt trong vai trò phục vụ du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề. Du khách sẽ thấy hấp dẫn hơn, dừng chân lâu hơn và chi tiền nhiều hơn nếu được giới thiệu và chứng kiến quy trình sản xuất của các nghề thủ công, nhưng ở các LVHDLCĐ được khảo sát thì hoạt động này chưa được khai thác hoặc khai thác thiếu tính chuyên nghiệp. Chưa thấy có trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm hoặc nếu có cũng khá sơ sài, thiếu sức hấp dẫn, đã khiến cho hiệu quả của việc giới thiệu, quảng bá vá bán các sản phẩm thủ công của cộng đồng tại gia đình, trong các Nhà văn hóa và homestay chưa cao. Hơn nữa, việc các nhà văn hóa cộng đồng của thôn và các homestay sử dụng và trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc là cần thiết nhằm tạo ra không gian văn hóa đậm chất truyền thống cùng những trải nghiệm chân thực cho du khách, đồng thời là cơ hội để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của cộng đồng. Thế nhưng, ở hầu hết các LVHDLCĐ hiện nay, cả nhà văn hóa cộng đồng và homestay công việc này rất hạn chế.

- Bốn là, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các làng nghề còn rất thấp, gây khó khăn cho việc sáng tạo, tìm kiếm mẫu mã mới, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số nghệ nhân tại các làng nghề tuy được hỗ trợ học tập kinh nghiệm ở các nơi nhưng khi trở về lại không áp dụng được cho sản phẩm của mình. Một phần do thời gian học tập và trải nghiệm chưa đủ, phần khác do trình độ và sự nhạy bén của người học còn yếu. “Từ địa phương ra đến toàn cầu” là nguyên tắc đầu tiên của OVOP[3] toàn cầu, trong đó đòi hỏi các sản phẩm thủ công làm ra cần được thiết kế mới hoặc cải tiến phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường đích, bao gồm tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ, thông qua các điểm du lịch, xuất khẩu qua biên giới. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực để được trang bị kịp thời những kiến thức nhất định về kinh doanh, về sản xuất và marketing thì hầu hết các nghề, làng nghề sẽ không thể xây dựng chiến lược để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình. Sự hạn chế về trình độ và kỹ năng quản lý, điều hành của người đứng đầu các HTX, các cơ sở sản xuất đã ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm, dự báo thị trường, triển khai xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất cũng như tiếp cận cơ chế chính sách, nhất là đối với những làng nghề hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

- Năm là, vấn đề phát triển đội ngũ kế thừa. Đào tạo, trao truyền nghề thủ công truyền thống cho lớp trẻ đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang quan tâm triển khai qua một số hoạt động cụ thể như công nhận nghệ nhân; mở lớp truyền dạy trong các trường học, ở các địa phương; tổ chức đi thăm quan, học tập ở các địa phương trong tỉnh, trong nước và nước ngoài,... Song, kết quả khảo sát tại một số điểm nghiên cứu như xã Sính Lủng, xã Quảng Nguyên, xã Lũng Cú cho thấy, cần xem lại tính hiệu quả của hoạt động này vì hiệu quả không cao. Nguồn kinh phí chi trả cho nghệ nhân giảng dạy trong các giờ văn hóa truyền thống ở các trường học chủ yếu được lấy từ Quỹ hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng và Hội nghệ nhân dân gian nên mức chi trả cho các nghệ nhân rất thấp, chỉ khoảng 50.000 - 60.000đ/buổi/người trong khi giao thông đi lại khó khăn, mức thù lao quá thấp nên việc thu hút được các nghệ nhân cao tuổi - những người được xem là “báu vật nhân văn sống” vào công việc này khá khó khăn, dẫn đến chất lượng dạy và học thiếu hiệu quả. Đáng lưu ý, thay vì chỉ trông chờ nguồn kinh phí được cấp, việc huy động sự đóng góp của người dân (10.000 đồng/hộ/tháng) để tăng mức thù lao chi trả cho nghệ nhân đã cho thấy một cách làm sáng tạo của chính quyền và người dân xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì. Phó chủ tịch xã - bà Tải Thị Riu cho biết: “Với cách làm này, nghệ nhân ở đây được trả 150.000 đ/buổi dạy, vì thế nhiệt tình tham gia hơn. Do phải đóng góp nguồn kinh phí hàng tháng nên các gia đình cũng có ý thức tích cực hơn trong việc tạo điều kiện cho con em mình tham gia các giờ học văn hóa truyền thống”. Việc bố trí đưa các nghề thủ công truyền thống vào truyền dạy trong nhà trường vào những giờ ngoại khóa như đang triển khai cũng chưa thật hợp lý khi chương trình giáo dục chính khóa ở các bậc học đã tương đối nặng với rất nhiều môn học; thêm vào đó, ngoài giờ học chính khóa, các em cũng cần phụ giúp việc nhà cho gia đình. Cách bố trí thời gian như vậy đã góp phần làm cho việc vận động học sinh tham gia các lớp truyền dạy gặp khó khăn hơn và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Do nguồn kinh phí cũng như thời gian tổ chức eo hẹp nên việc đưa các nghệ nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh chưa thực sự mang lại hiệu quả. Các nghệ nhân đa phần đã lớn tuổi nên việc tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới chỉ trong một, hai ngày là không hề dễ dàng. Hơn nữa, nếu tiếp thu được kỹ thuật mới thì việc áp dụng vào quy trình sản xuất còn đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị phù hợp. Bất cập đã diễn ra khi nghệ nhân ở một số địa phương đã nhiều lần được đi học tập kinh nghiệm của các làng nghề ở trong và ngoài tỉnh nhưng chưa thể áp dụng được cho sản phẩm của mình do thiếu kinh phí đầu tư thiết bị sản xuất như trường hợp của các người thợ chạm khắc bạc ở thôn Lao Xa; hay đã được hỗ trợ thiết bị sản xuất nhưng không được tập huấn kỹ thuật sử dụng như trường hợp của các nghệ nhân đan lát ở thôn Mã Trề.

- Sáu là, vấn đề huy động các nguồn lực và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu” cho các nghề, làng nghề là sự kết hợp giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp... với các cơ sở sản xuất. Để tạo nên sự thành công của HTX cộng đồng Nậm Đăm, cần ghi nhận sự giúp đỡ, phối hợp của nhiều tổ chức như Bộ môn Thực vật (Trường Đại học Dược Hà Nội), Công ty cổ phần Dược khoa (DK Pharma, Trường Đại học Dược Hà Nội), Công ty Thảo dược cao nguyên đá, Công ty Thung lũng dược liệu xanh Việt Nam, UBND huyện Quản Bạ, UBND xã Quản Bạ,... Đặc biệt là sự vào cuộc của Quỹ Môi trường toàn cầu với Dự án “Góp phần bảo tồn nguồn gen cây thuốc của người Dao và cải thiện sinh kế cộng đồng thông qua dịch vụ tắm lá thuốc và các sản phẩm từ cây thuốc ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang” đã mang lại những hiệu quả tích cực cho người dân. Việc phối hợp nhiều tổ chức, nhất là liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm đã giúp cho HTX đang có những bước đi khá vững chắc ở thị trường trong nước và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài. Tương tự, khi mới thành lập, thông qua Hội Phụ nữ huyện, HTX dệt lanh Lùng Tám đã có chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ và được hỗ trợ một phần kinh phí để đưa kỹ thuật nhuộm màu vào sản xuất, tìm các nguồn đặt hàng; đồng thời ký kết với tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp (Association Batik International) để mở lớp nâng cao tay nghề may, dệt thổ cẩm. Tiếp đó, sự hợp tác với tổ chức Craft Link (thông qua Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam) đã giúp HTX này có nhiều cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế và thị trường nước ngoài. Từ hai mô hình sản xuất nêu trên, rõ ràng việc huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ và tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là cần thiết trong bối cảnh các nghề, làng nghề ở Hà Giang vẫn phát triển chủ yếu là tự phát, chậm đổi mới kỹ thuật, chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hóa, ít kiến thức về thị trường, sức cạnh tranh thấp,... Hơn nữa, kinh phí hợp phần khuyến công của tỉnh cho làng nghề đã được công nhận còn hạn chế; sự phối hợp với Phòng Công thương, Trung tâm Văn hóa & Du lịch của mỗi huyện để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm tuy đã triển khai nhưng chưa tạo ra hiệu quả rõ rệt.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội

Kết quả khảo sát cho thấy, sự phát triển bền vững các nghề, làng nghề thủ công truyền thống phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền và các tổ chức. Để các nghề, làng nghề truyền thống không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những nguồn sinh kế mới giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bài viết xin đưa ra một số giải pháp về mặt chính sách nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa tiêu biểu của các nghề, làng nghề thủ công ở tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hiện nay. Về tổng thể cần xây dựng và thực hiện thành công Đề án hoặc Dự án về: “Phát triển bền vững các nghề và làng nghề thủ công truyền thống góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó tập trung vào một số hợp phần sau:

- Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hạn chế nhập nguyên liệu và sản phẩm phi thủ công từ nơi khác, nhất là từ Trung Quốc: Với một số nghề như đan lát, dệt vải thì các công đoạn từ trồng, thu hoạch đến sơ chế nguyên liệu phải tốn khá nhiều công sức; hơn nữa diện tích trồng các loại cây này trong quỹ đất của mỗi hộ gia đình cũng không còn nữa. Việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào nhằm mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới thị trường rộng lớn đang là một thách thức đối với một số nghề, làng nghề thủ công có tiềm năng phát triển. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích vùng trồng nguyên liệu tập trung, đảm bảo được nguồn nguyên liệu tại chỗ để phục vụ sản xuất, trong đó phải chú ý theo hướng chuyên môn hóa sản xuất, gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất và đảm bảo hiệu quả bền vững. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung (tre, trúc, bông, lanh...) ngoài mục đích cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ và khả năng phòng hộ của rừng, chống xói lở đất tại các vùng đầu nguồn, ven sông, ven suối.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Để đảm bảo nguồn nhân lực lâu dài cho các nghề và làng nghề, bên cạnh tiếp tục làm hồ sơ đề nghị các cấp công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; đẩy mạnh công tác công nhận danh hiệu “nghệ nhân dân gian” cho những người giỏi nghề, đồng thời cần đảm bảo chế độ đãi ngộ thỏa đáng cũng như tăng kinh phí hoạt động cho các Hội nghệ nhân dân gian các cấp, nhất là cấp xã. Xã hội hóa nguồn kinh phí để tăng mức thù lao chi trả cho các nghệ nhân thực hiện nhiệm vụ trao truyền cho thế hệ sau như một số địa phương đang triển khai là cách làm cần được tham khảo. Để giảm áp lực về thời gian học ở trường, nên tìm cách nghiên cứu bố trí các giờ học văn hóa truyền thống bao gồm nghề thủ công trong giờ chính khóa, có thể lồng ghép trong một số môn học theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo như môn Thủ công, Kỹ thuật (cấp Tiểu học) hay môn Công nghệ (cấp Trung học cơ sở),... Phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để phát triển làng nghề, đây là một trong 3 nguyên tắc cơ bản của OVOP toàn cầu, thế nhưng ở các điểm nghiên cứu, số lượng và chất lượng của những người thợ thủ công, những người có tâm huyết với nghề đang giảm dần theo thời gian. Vì thế, xây dựng nội dung đào tạo nghề cụ thể và phù hợp cho các nghề, làng nghề có tiềm năng phát triển là việc làm cần tính đến. Trong đó cần có cơ chế biểu dương, thưởng tiền cho những nghệ nhân tâm huyết, cho những học viên giỏi trong lớp kế thừa; xây dựng những khóa tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề cho những nghệ nhân, những người thợ giỏi nghề nhưng cần đảm bảo về mặt thời gian cũng như kinh phí để có hiệu quả hơn, nhất là người dân có thể áp dụng kỹ thuật mới cho sản phẩm của họ thì không thể không tính đến việc hỗ trợ đầu tư thiết bị sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

- Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề về xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc gắn với quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở tại địa phương cũng như trong và ngoài nước; tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư;… Sự bùng nổ của thương mại điện tử, phát triển thế giới mạng và những thiết bị hỗ trợ đã khiến cho thị trường các sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều. Khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm các làng nghề qua internet, các làng nghề cũng dễ dàng nắm bắt nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số,... Ở Hà Giang, việc giới thiệu, quảng bá nghề, làng nghề thủ công đã được triển khai nhưng mới chỉ qua một số website của tỉnh, huyện và các công ty du lịch. Vì vậy, cần hỗ trợ các làng và người dân tự xây dựng website riêng của nghề, làng nghề. Đây sẽ là một giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động quảng bá, tiếp thị đối với những sản phẩm thủ công và phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Qua các trang mạng này, những thông tin quan trọng sẽ được giới thiệu như chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, quy trình sản xuất, những nghệ nhân giỏi, các sản phẩm độc đáo…, từ đó các sản phẩm làng nghề có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng qua hoạt động thương mại điện tử. Liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp người thợ thủ công có được những thông tin về nhu cầu thị trường, có kế hoạch sản xuất hiệu quả, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Rất cần chính sách khuyến khích tốt hơn nữa đối với các doanh nghiệp; đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân ở các cơ sở sản xuất về ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh cơ chế khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ nhân và đầu tư của các doanh nghiệp, những sản phẩm hướng tới thị trường nước ngoài cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà thiết kế để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật, thiết bị sản xuất tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo tính độc đáo, thời trang của sản phẩm.

- Phát huy hơn nữa vai trò của nghề, làng nghề trong phát triển du lịch: Quy hoạch các nghề, làng nghề có tiềm năng phục vụ du lịch và cần bảo đảm các quy hoạch này được định hướng kết nối, tạo chuỗi thích hợp theo hướng kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Thay vì hỗ trợ lãi suất tiền vay (theo Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND), cần ưu tiên hơn cơ chế hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến công nghệ, quảng bá sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Cụ thể là hỗ trợ các nghề, làng nghề cải thiện chất lượng, mẫu mã (tiện dụng, thời trang) để trưng bày và bán tại các làng nghề, các hội chợ, các khu du lịch trên địa bàn trong và ngoài; hướng dẫn cộng đồng xây dựng quy chế mặc trang phục truyền thống khi tiếp khách, tổ chức trình diễn quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công một cách chuyên nghiệp không chỉ ở mô hình du lịch làng nghề mà còn ở mô hình LVHDLCĐ; đồng thời quan tâm hơn tới việc sử dụng, hoạt động giới thiệu và trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống tại các Nhà văn hóa cộng đồng và các homestay nhằm tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc trải nghiệm các giá trị văn hóa cũng như quảng bá sản phẩm và bán sản phẩm.

- Nâng cao ý thức bảo tồn của chủ thể văn hóa và những người làm công tác văn hóa: Một yếu tố rất quan trọng là ý thức người dân, chủ thể sáng tạo và sử dụng các sản phẩm do mình làm ra. Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu, trân trọng và tự hào về giá trị các di sản văn hóa dân tộc bao gồm các sản phẩm và các nghề truyền thống, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh và chủ động bảo tồn. Vai trò của những người làm công tác văn hóa cũng hết sức cần thiết, từ đó đặt ra vấn đề nâng cao về trình độ, năng lực, về “tâm” và “tầm” của những người quản lý, làm chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu của công cuộc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Kết luận

Thời gian qua, các nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Giang đã tận dụng được những nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp và có vai trò nhất định trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả này đã ghi nhận sự quyết tâm của chính quyền và người dân ở địa bàn một tỉnh miền núi vốn còn nhiều khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, các nghề và làng nghề thủ công ở Hà Giang vẫn đang tồn tại không ít thách thức. Theo kết quả khảo sát cũng như đánh giá của chính quyền các cấp, những thách thức cơ bản hiện nay là nguồn lực đầu tư còn hạn chế; nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất của làng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu; thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế và chưa ổn định; sản phẩm thủ công đáp ứng được nhu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng cũng như phục vụ cho phát triển du lịch còn nghèo nàn; lượng khách tham quan đang tăng dần theo từng năm, song các tour du lịch làng nghề vẫn chưa được khai thác hiệu quả; những sản phẩm làng nghề truyền thống có thể dùng làm quà lưu niệm phục vụ cho du lịch còn khan hiếm, du khách còn ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề,... Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tăng cường đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư vùng nguyên liệu tập trung, đổi mới đào tạo đội ngũ kế thừa… là những giải pháp cần được ưu tiên trong Đề án hoặc Dự án về: “Phát triển bền vững tổng thể các nghề và làng nghề thủ công truyền thống góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trong thời gian tới. Cần lưu ý rằng, việc ưu tiên, tập trung cho giải pháp nào trước mắt lại phụ thuộc vào quy mô, mức độ, tiềm năng phát triển của mỗi nghề và làng nghề, nhất là phải nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang (2016), Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ban hành ngày 21/7/2016.

2. Mai Thế Hởn và cộng sự (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Phạm Văn Phú (2018), “Hà Giang: Phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững các làng nghề”, trên trang: https://baomoi.com (đăng ngày 19/11/2018, truy cập ngày 26/4/2019).

4. Quỹ Môi trường toàn cầu (2019), Báo cáo tổng kết Dự án “Góp phần bảo tồn nguồn gen cây thuốc người Dao và cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ du lịch cộng đồng ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang”, thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF SGP), tài liệu lưu tại HTX cộng đồng Nậm Đăm.

5. Huỳnh Đức Thiện (2015), “Chính sách phát triển làng nghề của một số quốc gia ở Châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 18, số X2, tr. 119-125.

6. Tỉnh ủy Hà Giang (2013), Chương trình số 62-CTr/TU về Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 – 2020, ban hành ngày 29/3/2013.

            7. Tỉnh ủy Hà Giang (2016), Nghị quyết số 02-NQ/TU v vic đưa k năng sng và văn hóa truyn thng các dân tc thiu s vào trưng hc trên đa bàn tnh Hà Giang, ban hành ngày 6/11/2016.

8. Trần Minh Yến (2004), Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì (2016), Đề án số 03/DA-UBND v phát trin văn hóa gn vi du lch giai đon 2016-2020, ban hành ngày 16/6/2016.

 

 
 

Nghệ nhân đan lát người Cơ Lao ở thôn Mã Trề, xã Sính Lủng,

huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Ảnh: Bùi Thị Bích Lan, chụp năm 2019

 

 

 


[1] Đến nay, các nghề và làng nghề được công nhận ở 4 huyện khảo sát gồm: huyện Đồng Văn có may mặc trang phục dân tộc (thị trấn Phố Bảng), thêu dệt (thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú), dệt lanh (xã Sà Phìn), đan lát (thôn Mã Trề, xã Sính Lủng), chế tác khèn Hmông (thôn Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn), rèn đúc lưỡi cày (xã Tả Lủng), làm hương nhang (thôn Sính Thầu, xã Sảng Tủng). Huyện Hoàng Su Phì có chế biến chè xanh Phìn Hồ (xã Thông Nguyên), mây tre đan (xã Thèn Chu Phìn), rượu thóc Nàng Đôn (xã Nàng Đôn), chế biến thảo dược (xã Nậm Ty), dệt thổ cẩm Đoàn Kết (xã Hồ Thầu), chạm khắc bạc (xã Pờ Ly Ngài), dệt vải (xã Bản Phùng). Huyện Xín Mần có chạm bạc (thôn Đông Trứ, xã Ngán Chiên), thêu dệt (xã Nấm Dẩn), mây tre đan (thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng), chế biến chè (thôn Bản Vẽ, xã Nà Trì và Chế Là), rượu nếp (thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên), miến dong và gạo Già Dui (xã Thèn Phàng). Huyện Quản Bạ có dệt lanh (xã Lùng Tám, xã Cán Tỷ) và rượu ngô Thanh Vân (xã Thanh Vân).

[2] Theo Quyết định 755/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, làng nghề đan lát thôn Mã Trề đã được hỗ trợ 3 máy chẻ nan dành cho 3 tổ đan lát. Tuy nhiên, theo ông Trưởng thôn, do không được tập huấn kỹ thuật sử dụng cũng như chất lượng máy không đảm bảo nên những chiếc máy này đang trong tình trạng “đắp chiếu”, dù chưa từng qua sử dụng.

[3] OVOP là phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, được khởi phát ở Nhận Bản từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.