1. Dẫn nhập
Niềm tin xã hội (social trust) không phải là chủ đề mới đối với các nhà xã hội học. Ngay từ thế kỷ XIX, Emile Durkheim (1858-1917) đã khẳng định, “trong một hợp đồng không phải mọi cái đều có tính hợp đồng”, điều quan trọng là phải có được niềm tin giữa các bên tham gia [8]. Niềm tin dựa trên nền tảng của các quy ước và các chuẩn mực xã hội đặt trong khuôn khổ của các định chế xã hội nhất định. Anthony Giddens [16, tr.136] bàn về nguồn gốc của niềm tin xã hội từ góc độ tương tác xã hội và ổn định xã hội. Khi đưa ra khái niệm “niềm tin chủ động”, ông viết: “Sự tin cậy là một phương tiện làm ổn định các mối quan hệ tương tác giữa con người với nhau. Tin cậy vào một người khác là có thể tin rằng người này sẽ có những phản ứng mà mình mong đợi”. Khi niềm tin ở mức thấp thì tính mạo hiểm của con người sẽ gia tăng và sẽ có thể đem lại rủi ro và bất ổn xã hội. Niềm tin giúp tiên lượng được phản ứng và dự đoán được hành động của con người và các chủ thể trong tương tác xã hội.
Nhà xã hội học Herbert Mead đã chỉ ra vai trò quan trọng của niềm tin trong cấu trúc hành động. Theo ông, niềm tin là cơ sở của hành vi con người và là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công [17]. Như chúng ta vẫn thường nói về logic cuộc sống, nhận thức đúng đắn sẽ dẫn tới hành động đúng đắn. Fukuyama và Coleman đi sâu phân tích mối liên hệ giữa niềm tin và vốn xã hội [19], [13]. Putnam xem xét mối quan hệ giữa niềm tin và sự tham gia của người dân [26]. Những khái niệm tương tự hay có liên quan với niềm tin như lòng tin (faith), đức tin (belief), sự tin tưởng (confidence) hay sự tin cậy (reliance),… thường được các nhà nghiên cứu sử dụng với các nội hàm và ý nghĩa không hoàn toàn trùng nhau, nhưng có thể bổ trợ cho nhau.
Là một loại hình thuộc về ý thức xã hội, niềm tin phản ánh và được quy định bởi tồn tại xã hội. Tuy nhiên, niềm tin xã hội là một khái niệm rộng và tương đối khó nắm bắt. Việc có được một định nghĩa đầy đủ là không dễ dàng. Bài viết này xác định niềm tin xã hội bằng sự kỳ vọng của cá nhân vào những vai trò và định chế xã hội được thiết lập và thực hiện theo những chuẩn mực trong một bối cảnh cụ thể. Đó là niềm tin của các thành viên vào những vai trò và định chế xã hội quan trọng, và là niềm tin giữa con người với nhau. Khác với niềm tin cá nhân, niềm tin xã hội không phải là nhận thức riêng của cá nhân, tình cảm nội tâm hay cảm xúc đối với các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, mà trước hết là sản phẩm của xã hội, là thực tại xã hội, phản ánh sự tin tưởng của cộng đồng và được số đông chấp nhận. Ngược lại, khi niềm tin bị lung lay thì sẽ có thể dẫn con người đến sự hoài nghi và phá vỡ các chuẩn mực xã hội.
Niềm tin có thể cho tặng, nhưng không thể mua bán, trao đổi bằng tiền, càng không thể có được bằng cách ra lệnh hay vay mượn mà được [8]. Niềm tin là cơ sở quan trọng quyết định bản chất các mối quan hệ xã hội, là chất keo kết dính các quan hệ xã hội. Một quốc gia muốn phát triển bền vững cần tạo lập được những niềm tin chân chính trong xã hội, giữa con người với con người, cũng như sự tin tưởng vào pháp luật và tổ chức. Đó là sự tin tưởng của người dân vào chính quyền, giữa chính quyền và doanh nghiệp, cũng như giữa doanh nghiệp với nhau. Niềm tin về bản chất là giá trị được hình thành trên nền tảng đạo đức và pháp luật của một xã hội.
Niềm tin được nảy nở dựa trên sự trung thực, chân thành trong suy nghĩ và minh bạch trong hành động, dựa trên sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Ngược lại, sự suy giảm niềm tin hoặc đánh mất niềm tin sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội phức tạp. Bài viết này tìm hiểu cơ sở và nguồn gốc của niềm tin xã hội; phân tích nghiên cứu niềm tin xã hội và vai trò của niềm tin xã hội đối với phát triển xã hội ở Việt Nam; từ đó gợi mở một hướng nghiên cứu mới cần thiết trong xã hội học và khoa học xã hội nước ta hiện nay.
2. Cơ sở và nguồn gốc của niềm tin xã hội
Nghiên cứu về niềm tin xã hội thường xem xét nguồn gốc và những yếu tố quyết định niềm tin, nhất là niềm tin vào con người và các định chế xã hội. Có thể nhận thấy rằng niềm tin vào cuộc sống, kỷ cương, tương lai, tín ngưỡng, tôn giáo là hiện tượng phổ biến trong đời sống. Là một cấu thành thuộc ý thức xã hội, phản ánh thế giới khách quan, niềm tin bị chi phối và quyết định bởi cơ sở kinh tế và tồn tại xã hội. Một khi được nhận thức đúng đắn, niềm tin có sức lan tỏa và ảnh hưởng của nó là không có giới hạn.
Niềm tin là sự tin tưởng dựa trên đặc điểm, năng lực và sự chấp nhận, tin cậy lẫn nhau. Niềm tin là chất keo gắn kết tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết và các hành động vị tha trong xã hội. Với tư cách là một chỉnh thể, niềm tin được tạo lập trong mối tương tác với đạo đức xã hội, sự hợp tác và trật tự xã hội [24], [21] hoặc bằng sự hiểu biết rõ ràng về nhau [19]. Khi một cá nhân thiếu niềm tin vào con người hoặc không tin tưởng ai thì rất khó xác lập mối quan hệ hợp tác và ít giao tiếp với người khác, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Niềm tin xã hội liên quan chặt chẽ với các nền tảng quan trọng gồm đạo đức, vị thế xã hội và thể chế chính trị [12], [25]. Niềm tin giúp củng cố đồng thuận xã hội, mà thiếu nó thì xã hội sẽ lung lay, sụp đổ. Khái niệm niềm tin thường gắn liền với khái niệm vốn xã hội. Chính nhờ sự tin tưởng nhau mà quan hệ xã hội được củng cố và phát triển [14]. Đây chính là điều được các nhà xã hội học nhắc đến khi nghiên cứu vốn xã hội. Nhiều học giả xem xét mối quan hệ hai chiều nói trên và chứng minh rằng niềm tin vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của vốn xã hội. Vốn xã hội là cơ sở để hình thành niềm tin và ngược lại, niềm tin là thành tố quan trọng tạo nên vốn xã hội [27], [20]. Tuy nhiên, khác với vốn xã hội (là nguồn lực có được từ sự cam kết trong các quan hệ bền chặt), niềm tin chứa đựng nhiều rủi ro, thiếu ổn định và chịu ảnh hưởng mạnh bởi nền tảng đạo đức, pháp luật và các định chế xã hội. Theo Woolcock, niềm tin là một hệ quả của vốn xã hội [27]. Còn Francois và Zabojnik, khi phân tích về mối quan hệ giữa niềm tin, vốn xã hội và phát triển kinh tế, đã đề xuất khái niệm “sự đáng tin” (trustworthiness) như một nhân tố đảm bảo cho phát triển kinh tế, và theo hai tác giả, niềm tin là khái niệm đã bao hàm trong nó vốn xã hội [18]. Niềm tin là cơ sở để hình thành nên vốn xã hội. Nếu niềm tin bị đánh tráo, lợi dụng thì sẽ dẫn đến những rủi ro và hệ lụy xã hội. Niềm tin còn ẩn chứa đằng sau các mối quan hệ xã hội, đòi hỏi thời gian để kiểm nghiệm, thử thách và tích lũy. Khi có được niềm tin thì sự chân thành, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau nảy nở giữa con người cũng như giữa các nhóm xã hội. Nhà xã hội học James Coleman đã chỉ ra rằng, niềm tin chính là mấu chốt để tạo nên các giao dịch kinh tế thành công. Để minh chứng, ông viện dẫn câu chuyện các thương gia trong mạng lưới buôn bán kim cương có thể chuyển giao cho nhau các viên kim cương trị giá hàng nghìn đô la mà không cần một sự bảo đảm pháp lý nào, thay vào đó là sự tin tưởng nhau trong cộng đồng các thương gia [13].
Trong một nỗ lực nghiên cứu nguồn gốc niềm tin xã hội, Delhey và Newton đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin và kiểm chứng bằng nghiên cứu thực nghiệm ở 6 quốc gia [15]. Các tác giả đã đưa ra hai cách tiếp cận chính về niềm tin. Cách tiếp cận thứ nhất được các nhà tâm lý học xã hội sử dụng từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX, coi niềm tin là đặc điểm của cá nhân, có nguồn gốc liên quan đến tâm lý con người. Cách tiếp cận thứ hai được các nhà chính trị học, xã hội học từ những năm 1990 và 2000 sử dụng, coi niềm tin là sản phẩm của xã hội, chứ không đơn thuần là phép cộng cá nhân. Kết quả nghiên cứu so sánh của Delhey và Newton đã chứng minh rằng, niềm tin trước hết do các thiết chế xã hội và quan hệ xã hội quyết định. Các tổ chức hiệp hội tự nguyện, mạng lưới xã hội, điều kiện xã hội đã góp phần xây dựng và phát triển niềm tin.
3. Nghiên cứu niềm tin xã hội ở Việt Nam
Chủ đề niềm tin xã hội ít nhận được sự quan tâm chú ý của các nhà xã hội học trong nước. Một phần là do đây là chủ đề tương đối mới mẻ và nhạy cảm, song mặt khác còn do ít có những nghiên cứu với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế. So với các nghiên cứu về vốn xã hội, nghiên cứu niềm tin xã hội ở nước ta còn khá khiêm tốn, và mới bắt đầu được chú ý nhiều từ hơn 10 năm trở lại đây.
Trong khi các nghiên cứu về niềm tin xã hội ở các nước trên thế giới đã rất phổ biến, thì các công trình về niềm tin ở Việt Nam còn khá ít ỏi và cần được khuyến khích.
Có thể thấy nghiên cứu về niềm tin xã hội ở Việt Nam được đặt trong mối liên hệ với sự biến đổi hệ giá trị và cơ cấu xã hội. Kinh tế thị trường đã có những tác động đa chiều đối với giá trị và niềm tin trong xã hội. Sự thay đổi nhanh của các giá trị sống và chuẩn mực đạo đức có ảnh hưởng lớn đến niềm tin. Thuật ngữ “niềm tin” hay “lòng tin” được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu của Trần Đình Bảy (2003), Lê Minh Tiến (2006), Trần Hữu Quang (2006), Lê Ngọc Hùng (2008), Hoàng Bá Thịnh (2009), Nguyễn Quý
Thanh và Nguyễn Thị Khánh Hòa (2013),… Các nghiên cứu này không đề cập riêng đến niềm tin xã hội, mà bàn luận cả vấn đề vốn xã hội cũng như vai trò của mạng lưới xã hội.
Trong nghiên cứu của mình, Đặng Vũ Cảnh Linh nhấn mạnh niềm tin là hệ quả của những quá trình tương tác xã hội giữa con người với con người [6]. Các nhà xã hội học đã nhấn mạnh đặc tính xã hội của niềm tin, dựa trên mối quan hệ và ý thức cộng đồng, phản ảnh điều kiện sống, sinh hoạt, phương thức sản xuất, văn hóa của cộng đồng trong những hoàn cảnh lịch sử, không gian và thời gian nhất định. Niềm tin không phải lúc nào cũng vững chắc hoặc bất biến, mà tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh xã hội. Song ở mọi thời đại, con người đều lấy niềm tin làm mục đích và ý nghĩa của cuộc sống.
Trần Hữu Quang phân loại niềm tin thành niềm tin liên cá nhân, và niềm tin định chế [8]. Với xã hội học, niềm tin vào định chế có vai trò quan trọng. Tác giả đã nêu lên một số suy nghĩ về thực trạng niềm tin vào định chế trong xã hội Việt Nam đương đại, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của tình trạng gian dối, suy thoái niềm tin trong xã hội hiện nay. Đây là hệ lụy của sự xuống cấp trong đạo đức xã hội, pháp luật và bộ máy hành chính. Sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay thiện ý của cá nhân, mà chủ yếu từ các định chế xã hội. Tác giả đề xuất việc xây dựng hai nền tảng cần thiết nhằm khôi phục niềm tin trong xã hội, đó là một nền luật pháp mang tính duy lý và ổn định, và một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự quản xã hội. Luật pháp giúp ngăn được cái xấu ở bên ngoài, còn niềm tin vào đạo đức có thể ngăn được cái xấu, cái ác bên trong mỗi con người.
Nguyễn Quý Thanh và Nguyễn Thị Khánh Hòa đi sâu tìm hiểu cấu trúc của lòng tin xã hội con người Việt Nam [9]. Lòng tin xã hội bị chi phối bởi các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của mỗi cá nhân mà mang bản chất xã hội2. Bằng số liệu thực nghiệm, các tác giả lập luận rằng lòng tin xã hội là một yếu tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của vốn xã hội. Kết quả phân tích cho thấy, chỉ số lòng tin của người Việt Nam ở mức trung bình thấp; Tuy có sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị song không có sự khác biệt giữa nam và nữ và giữa các tình trạng hôn nhân. Trong khi các đặc điểm cá nhân và gia đình ít có ảnh hưởng đến lòng tin xã hội, thì sự cố kết cộng đồng có tác động thuận chiều đến lòng tin của người Việt Nam.
Trong một báo cáo nghiên cứu về phát triển xã hội, tôi đã chỉ ra rằng niềm tin vào công lý và sự công bằng trong xã hội là nhân tố quan trọng khích lệ và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam [1]. Tuy nhiên, niềm tin trong xã hội ta hiện bị suy giảm trên nhiều lĩnh vực như pháp luật, đạo đức, lối sống, khoa học, giáo dục, y tế, truyền thông, tiêu dùng,… Uy lực và sức phá hoại ghê gớm của đồng tiền trong cuộc sống, nhất là trong quan hệ con người và sự nghiêm minh của pháp luật đã làm trầm trọng sự suy giảm niềm tin trong nhân dân, đặc biệt ở lớp trẻ. Người dân thiếu tin tưởng vào cán bộ và bộ máy chính quyền, vào cuộc chiến chống tham nhũng. Tình trạng mất niềm tin trong xã hội là điều khó tránh khỏi khi thật giả lẫn lộn; cái xấu, cái ác được dung túng, bao che và ngày càng lộng hành, trong khi cái thiện, cái tốt không được pháp luật và xã hội bảo vệ. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi; những tiêu cực trong quản lý đất đai, quản lý kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục,... chậm được khắc phục; Trong cuộc sống thường ngày, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội còn nhiều nhức nhối; đời sống, việc làm của người dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Thực trạng trên đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, làm xói mòn niềm tin xã hội. Sự suy giảm niềm tin vào các giá trị xã hội, vào chuẩn mực đạo đức và sự nghiêm minh của pháp luật là môi trường thuận lợi cho những xung đột và mâu thuẫn gia tăng trong đời sống xã hội.
Có thể nhận định rằng, mặc dù niềm tin đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu gần đây ở Việt Nam, song chủ đề này vẫn chưa được nghiên cứu nhiều, mặc dù niềm tin là một yếu tố quan trọng trong quản lý và phát triển xã hội, là cơ sở hình thành nên vốn xã hội. Cũng vì lý do này, phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật đo lường niềm tin còn chưa đầy đủ, thiếu chuẩn hóa, thiếu chính xác khi đo lường niềm tin và các tiêu chí liên quan.
4. Vai trò của niềm tin đối với phát triển xã hội ở Việt Nam
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng là một yêu cầu cấp thiết như đã được quán triệt trong Nghị quyết lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, niềm tin của toàn quân, toàn dân ta được đặt vào một mục tiêu duy nhất: đó là chiến thắng kẻ thù, giành lại độc lập dân tộc, giải phóng đất nước. Chính niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh dân tộc, vào chính nghĩa đã góp phần làm nên khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, tạo nên ý chí, quyết tâm để người dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hùng mạnh hơn hàng trăm lần [4].
Trong thời bình, kiến thiết và xây dựng đất nước, muốn phát triển thì trước hết xã hội cần ổn định và đồng thuận. Niềm tin cần được dựa trên các giá trị đạo đức, hướng thiện của con người, và được củng cố bằng sự minh định trong chức năng, vai trò của các thiết chế xã hội, vận hành theo pháp luật, trình độ nhận thức, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý và lòng tin của nhân dân đối với quốc gia và chế độ chính trị xã hội. Với vị trí, ý nghĩa đó, chúng ta phải xây dựng cho được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, do sự chi phối của các quan hệ lợi ích và biến đổi nhu cầu cuộc sống, niềm tin của con người Việt Nam cũng có xu hướng chuyển đổi và bị chi phối mạnh mẽ bởi kinh tế thị trường. Từ góc nhìn xã hội học, có thể nhận thấy niềm tin xã hội đang bị suy giảm, thậm chí có ý kiến cho rằng bị khủng hoảng, rất cần được củng cố. Con người đánh mất cả bản ngã, dùng các thủ đoạn tranh giành lợi ích, kể cả lừa đảo với mọi hình thức, để đạt được mục đích. Uy tín, danh dự và thương hiệu là điều quan trọng hàng đầu trong sản xuất kinh doanh, song giờ đây thói làm ăn chộp giật trở nên phổ biến, với những chiêu lừa đảo trên quy mô rộng, bất chấp các hệ lụy có thể gây ra cho con người và xã hội. Cuộc sống với thực phẩm bẩn, nguồn nước không đảm bảo, hàng hóa và dịch vụ thiếu tin cậy về chất lượng khiến cho sự ngờ vực tăng lên trong đời sống xã hội. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nơi được xem như môi trường tốt nhất để bảo tồn các giá trị nền tảng của xã hội, cũng đầy rẫy những hiện tượng tiêu cực như bằng giả, học giả, mua bán điểm, quay cóp, đạo văn, bạo lực, lệch chuẩn… ở mức độ nghiêm trọng, gây nên bức xúc và hoang mang trong xã hội.
Sự phát triển nhanh và gia tăng khối lượng thông tin và dư luận trên mạng xã hội hiện nay chi phối mạnh mẽ niềm tin của người dân. Thông tin trên cộng đồng mạng đúng sai khó phân biệt; điều đó làm tăng sự bán tín, bán nghi, và làm cho niềm tin càng lung lay. Rồi từ đó, con người trở nên vô cảm và nhẫn tâm hơn khi phê phán đồng loại trên mạng xã hội, tự cho phép mình ra tay ném đá, hành xử thay cho luật pháp. Lòng chân thành và tính trung thực giữa người với người không còn là nguyên tắc sống cơ bản trong xã hội, mà thay vào đó là sự dối trá, lừa lọc trong quan hệ xã hội. Bước ra khỏi cửa nhà là đã phải đề phòng rủi ro xe cộ, dè chừng với người ngoài, ai nói gì cũng thấy bán tín bán nghi, và người dân không còn cảm thấy an toàn. Con người căng thẳng vì lo đối phó, hiệu năng làm việc thấp vì thiếu sự chia sẻ và hợp tác, mà lý do chính là thiếu niềm tin vào nhau, và lo kiểm soát, đối phó, cạnh tranh với nhau thay cho hợp tác vì mục đích chung.
Trước thực trạng trên, việc tăng cường và củng cố niềm tin xã hội là hết sức cần thiết. Cần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng niềm tin xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nghiên cứu niềm tin xã hội trở thành chủ đề mang tính thực tiễn và chính sách. Thực tiễn cuộc sống hôm nay đang có tác động đến nhận thức tư tưởng, tình cảm, lối sống của người dân trong xã hội. Có rất nhiều vấn đề bức xúc, cũng như việc dư luận trong xã hội hiện nay liên quan đến niềm tin, cần được kịp thời nhận diện, nghiên cứu và lý giải một cách khoa học.
5. Kết luận
Niềm tin xã hội của nhiều quốc gia được gây dựng và củng cố từ cái nôi gia đình và cộng đồng, phát triển dựa trên nền tảng của ba trụ cột kinh tế thị trường, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền. Lịch sử thăng trầm của các quốc gia cho thấy, lúc nào nhà cầm quyền hiểu được lòng dân và nói cho dân hiểu, dân tin rằng vận mệnh của dân tộc chính là vận mệnh của mình, của gia đình, dòng họ mình; dân tin người lãnh đạo, tin vào chính sách, sự nghiêm minh của pháp luật, tin rằng mọi người là anh em, vào đội ngũ công bộc liêm chính của dân…, thì quốc gia đó sẽ huy động được sức dân và mọi nguồn lực trong xã hội. Còn ngược lại, khi người dân không có niềm tin, đánh mất niềm tin vào nhau và vào chính quyền, vào bộ máy thực thi pháp luật, khi nguyện vọng, ý kiến và quyền lợi của người dân bị coi nhẹ, thì khi đó xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và xung đột.
Niềm tin xã hội có vai trò nền tảng trong phát triển xã hội, đó không phải là phép cộng giản đơn các niềm tin cá nhân, mà là sản phẩm của chính thực tại xã hội. Ở Việt Nam, niềm tin xã hội đang có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh những chiều cạnh tích cực, tiến bộ, còn có những diễn biến theo hướng tiêu cực, diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Tăng cường niềm tin sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong xã hội, thay vì tâm lý lo âu và dè chừng trong cuộc sống. Sự lo âu, ưu phiền làm suy giảm niềm tin vào con người, giới trẻ khủng hoảng tinh thần, xa rời tập thể, cộng đồng là dấu hiệu của mất niềm tin vào cuộc sống, hiện tượng thường gặp ở một số quốc gia. Chính vì thế, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cảnh báo: “Chúng ta không sợ bất kỳ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta” [28]. Sẽ phải mất cả thế hệ hoặc nhiều thế hệ mới có thể khôi phục lại niềm tin xã hội, tìm lại động lực của hành động. Xã hội cần trở lại nguyên tắc “sống bằng niềm tin” mà trước đây đã dẫn dắt dân tộc ta, đất nước ta tiến lên trước muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
Chú thích
2 Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng khái niệm “lòng tin xã hội” thay cho khái niệm “niềm tin xã hội”.
Tài liệu tham khảo
[1] Đặng Nguyên Anh (2014), Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới, Chuyên đề nghiên cứu phục vụ cho Tổng kết 30 năm Đổi
mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
[2] Trịnh Đình Bảy (2003), Niềm tin và xây dựng niềm tin khoa học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Hoàng Đình Cúc (2007), “Vấn đề xây dựng và củng cố niềm tin trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 4 (167).
[4] Vũ Dũng (2011), Tâm lý xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[5] Lê Ngọc Hùng (2008), “Vốn xã hội, vốn con người và mạng lưới xã hội qua một số nghiên cứu ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 37(3).
[6] Đặng Vũ Cảnh Linh (2008), Niềm tin trong một thế giới đang biến đổi - Một phân tích xã hội học về giá trị nhận thức và hành vi của sinh viên hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Trần Hữu Quang (2006), “Lòng tin trong xã hội và vốn xã hội”, Tạp chí Tia sáng http://tiasang.com.vn/-dien-dan/long-tin-trongxa-hoi-va-von-xa-hoi-1817 (truy cập ngày 12/03/2018).
[8] Trần Hữu Quang và cộng sự (2013), Lòng tin và vốn xã hội, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[9] Nguyễn Quý Thanh và Nguyễn Thị Khánh Hòa (2013), “Các thành tố và quan hệ giữa chúng trong cấu trúc lòng tin xã hội của người Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học, số 4.
[10] Lê Minh Tiến (2006), “Tổng quan phương pháp phân tích mạng lưới xã hội trong nghiên cứu xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 9.
[11] Viện Xã hội học (2015), “Tổng thuật các công trình nghiên cứu về niềm tin xã hội”, Nhiệm vụ cấp Viện: Tìm hiểu và xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu niềm tin xã hội, Viện Xã hội học, Hà Nội.
[12] Barber, B. (1983), The Logic and Limits of Trust, Rutgers University Press.
[13] Coleman, J. S. (1988), “Social Capital in the
Creation of Human Capital”, American
Journal of Sociology, No. 94, pp.95-120.
[14] Cook, K. S. (2001), Trust in Society, Vol. 2, The Russell Sage Foundation, New York, US.
[15] Delhey, J. and Newton K. (2002), Who Trusts?
The Origins of Social Trust in Seven Nations, Social Science Research Center, Berlin.
[16] Giddens, A. (1996), Social Theory and Modern Sociology, Standford University Press, Stanford.
[17] Gillespie, A. (2005), “G.H. Mead: Theorist of the Social Act”, Journal for the Theory of Social Behaviour, No. 35, pp.19-39.
[18] Francois P. and Zabojnik J. (2005), “Trust,
Social Capital and Economic Development”,
Journal of the European Economic
Association, No. 3(1), pp.51-94.
[19] Fukuyama, F. (1999), Trust: The Social
Virtues and the Creation of Prosperity, The Free Press, New York.
[20] Halpern, D. (2005), Social Capital, Polity Press, Cambridge, UK.
[21] Hearn, F. (1997), Moral Order and Social
Disorder: The American Search for Civil Society, Aldine de Gruyter. New York, US.
[22] Kaase, M. (1999), “Interpersonal Trust, Political
Trust and Non-Institutionalized Political
Participation in Western Europe”, West
European Politics, No. 22(3): 1-23.
[23] Lewis, D. J. and Weigert. A. (1985), “Trust as a Social Reality”, Social Forces, No. 4(61), pp.967-985.
[24] Misztal, B. (1996), Trust in Modern Societies, Polity Press, Cambridge, UK.
[25] Peggy S. and Koop C. (2010), “Political
Distrust and Social Capital in Europe and the USA”, Social Indicators, No. 96, pp.145-167.
[26] Putnam, R. (1995), “Bowling Alone:
America’s Delining Social Capital”, Journal of Democracy, No. 6(1), pp.65-78.
[27] Woolcock, M. (2001), “The Place of Social
Capital in Understanding Social and Economic
Outcomes”, in J.F Helliwell (ed), The
Contribution of Human and Social Capital to
Sustained Economic Growth and Well-being,
International Symposium Report, Human Resources Development, OECD and Canada.
[28] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chi-so-nhandan-mat-niem-tin-vao-dang-nha-nuoc-che-do193475.html (truy cập ngày 12/03/2018).