1. Đặt vấn đề
Kom Tum, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào- Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển về kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Sau hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập. Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi về mọi mặt, song nhìn chung vẫn còn là một vùng nghèo, vùng kinh tế khó khăn. Nền kinh tế ở đây chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp (với quy mô nhỏ truyền thống và đặc trưng phụ thuộc vào tự nhiên) khai thác tài nguyên, có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao. Các cơ chế phối hợp, liên kết nội vùng và ngoại vùng hiện nay chủ yếu mang tính tự nguyện, thiếu sự ràng buộc trách nhiệm, thiếu chế tài chặt chẽ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tây Nguyên (như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều…) hầu như kém về thương hiệu trên thị trường quốc tế. Những yếu kém trong phát triển kinh tế có tác động tiêu cực về mặt văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, khiến cho quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên bị ảnh hưởng. Vậy những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên là gì? Định hướng giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên là gì? Bài viết này đề cập đến hai vấn đề đó.
2. Điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên
2.1. Điểm nghẽn về cơ chế chính sách
Thứ nhất, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các tỉnh vùng Tây Nguyên, liên kết kinh tế nội vùng chưa được đặt đúng vị trí. Quy hoạch giữa các tỉnh, giữa các cấp thiếu tính đồng bộ, thiếu sự gắn kết và phối hợp trên phương diện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trong quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sự liên kết, hợp tác vẫn còn mờ nhạt. Tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu theo vùng, không có hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp vùng, còn phổ biến.
Thứ hai, trong tư duy và hành động về kinh tế vùng, liên kết vùng theo định dạng phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại, năng lực liên kết, phối hợp trong việc tổ chức thực thi các chính sách phát triển của các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh, các địa phương trong vùng chưa nhận thức được tầm quan trọng của sự tích hợp và hài hòa quan hệ giữa không gian kinh tế và không gian tự nhiên, sinh thái, không gian chính sách và thể chế; đồng thời, ít có hệ thống quản trị về tài nguyên, sinh thái, kinh tế, cũng như tổ chức hệ thống dịch vụ công theo vùng; chưa thực sự cùng trao đổi nội dung định hướng liên kết rõ ràng; các cơ chế phối hợp, liên kết nội vùng yếu; thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ đạo phối hợp, điều phối các hoạt động liên kết kinh tế nội vùng, thúc đẩy, tăng cường liên kết các tỉnh trong vùng; sự liên kết giữa các vùng còn khá mờ nhạt.
Thứ ba, bài toán quy hoạch từng địa phương chưa phát huy lợi thế địa phương trong tổng thể quy hoạch phát triển chung toàn vùng. Việc học tập kinh nghiệm, mô hình thành công của các địa phương bạn là điều cần thiết, nhưng lại rập khuôn máy móc, theo khuynh hướng chung; từ đó có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, thiếu những thương hiệu cấp vùng bền vững, giá trị sản phẩm giảm. Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng Tây Nguyên
2.2. Điểm nghẽn về khoa học và công nghệ
Khoa học - công nghệ là một tác nhân đóng vai trò đòn bẩy và kết nối các nguồn lực vô cùng quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Nhưng hiện nay, trình độ và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của chính các nông hộ, các doanh nghiệp quy mô kinh tế hộ gia đình vùng Tây Nguyên không đồng đều; Khoa học xã hội Việt Nam, số 5 - 2018 điều đó đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp sản xuất vừa và lớn trên địa bàn vùng còn hạn chế; điều này khiến cho chất lượng sản phẩm thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém. Bài toán về chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên chính là một trong những điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ.
2.3. Điểm nghẽn trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác tài nguyên văn hoá Điểm nghẽn trong việc phát huy vai trò của văn hóa truyền thống đối với phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên hiện nay là những bất cập, lúng túng và bế tắc trên cả hai phương diện nghiên cứu và ứng dụng.
Vấn đề văn hoá tộc người, tôn giáo và tri thức bản địa đã có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu được xuất bản, nhưng vẫn chưa có một tiêu chí nhất quán trong việc xác định nội dung các khái niệm văn hóa bản địa, tiêu chí đa văn hoá và liên văn hoá. Cùng một lĩnh vực nghiên cứu nhưng có các cách gọi khác nhau, như: tri thức bản địa, sinh thái dân tộc học, tri thức địa phương, tri thức dân gian, tri thức truyền thống về môi trường… Nguyên nhân do đâu cũng là một câu hỏi cần phải đặt ra. Nếu không giải đáp vấn đề này thì không thể đưa ra những gợi ý điều chỉnh về chính sách hợp lý và phù hợp với văn hóa của vùng và từng địa phương, đồng thời giúp thay đổi nhận thức cơ bản của các cấp quản lý về vai trò không thể thiếu được của hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn.
Trong việc khai thác tài nguyên văn hoá trong hoạt động kinh doanh, phối kết hợp giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể còn bị chồng chéo, lệch pha và không có hiệu quả thực sự về kinh tế. Việc bảo vệ các giá trị văn hoá vật thể có tính chất mong manh chưa được chú trọng cho các tình huống du lịch phức tạp và du lịch mạo hiểm. Cơ cấu các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch ở Tây Nguyên chưa đa dạng, phong phú, còn thiếu những sản phẩm đặc thù.
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là xu hướng thế giới, là tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Ở Tây Nguyên hiện nay, các câu hỏi sau đây đang cần có câu trả lời thỏa đáng: Hoạt động du lịch này phát triển ra sao? Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng của các sản phẩm du lịch, chất lượng của các dịch vụ du lịch có đáp ứng được yêu cầu của phương thức du lịch này không? Môi trường sinh thái và môi trường xã hội có bị ảnh hướng theo hướng tiêu cực không? Phải chăng, do các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của các địa phương trong vùng còn trùng lặp, chưa kết nối thời gian với địa điểm, với dịch vụ đi kèm một cách hợp lý, nên không thu hút được nhiều khách du lịch? Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Tây Nguyên có nêu kết nối với nhau (để cùng đầu tư xây dựng các tua, các tuyến du lịch của vùng, cùng xây dựng sản phẩm mới và quảng bá rộng rãi ra khắp thế giới) hay vẫn hoạt động nhỏ lẻ, cục bộ, mang tính cục bộ địa phương? [1]. Việc chưa có câu trả lời cho các câu hỏi này là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
3. Định hướng giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên
Thứ nhất, phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của địa phương. Lợi thế là nguồn lực của sự phát triển, nhưng nếu không có chính sách và cách thức phát huy lợi thế một cách phù hợp và đầy đủ thì lợi thế sẽ trở thành bất lợi thế. Lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế không chỉ thể hiện ở cấp độ vùng, mà còn thể hiện đến ở từng địa phương cụ thể, căn cứ tình hình thực tiễn của chính địa phương đó. Tây Nguyên cần lựa chọn ngành kinh tế mũi nhọn đối với từng địa phương, xây dựng cơ cấu kinh tế xoay quanh ngành kinh tế mũi nhọn; hạn chế phát triển hoặc dừng hẳn một số ngành kinh tế không hiệu quả và có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương cụ thể. Mỗi địa phương Tây Nguyên cần xây dựng những sản phẩm đặc trưng, khác biệt, mới có thể vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo nên sự liên kết trong phát triển. Các ngành sản xuất phải gắn với nhu cầu và sự phát triển của thị trường. Tây Nguyên cần tập trung phát triển thêm những mặt hàng mà chi phí vận chuyển thấp hoặc không đáng kể, bên cạnh các mặt hàng phát huy lợi thế tương đối; cung ứng dịch vụ từ xa qua mạng (như phát triển các dịch vụ phần mềm, thương mại điện tử); ươm dưỡng doanh nghiệp và công nghệ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lâm sản, chế biến tại chỗ; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh; phát triển hạ tầng giao thông, điện và hệ thống viện trường nghiên cứu liên quan.
Để có thể có những giải pháp kinh doanh mới mẻ, hiện đại, mang tính đặc thù, sáng tạo, tăng tính hấp dẫn của Tây Nguyên với trong nước và quốc tế, cần thiết tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị thị trường. Cần phát triển mạnh mô hình liên kết 4 nhà: nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Cần có chương trình kế hoạch nâng cao dân trí; cần giúp người nông dân vượt qua khâu sản xuất và sơ chế thô để xây dựng chuỗi giá trị kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường [2].
Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển chung toàn vùng. Trên cơ sở xây dựng mô hình tăng trưởng mới theo hướng kinh tế sinh thái, có trình độ và chất lượng phát triển cao, cần hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chung của toàn vùng trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp vùng; thiết lập thể chế phát triển vùng hiệu quả để điều phối và đảm bảo sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế vùng, đảm bảo chuỗi giá trị và các liên kết cụm ngành hình thành và hoạt động; đưa liên kết phát triển vùng trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh theo địa bàn và chuỗi giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới, cần làm cho các địa phương trong vùng thấy tầm quan trọng của sự tích hợp và hài hòa quan hệ giữa không gian kinh tế và không gian tự nhiên, sinh thái, không gian chính sách và thể chế; coi trọng xứng đáng về kinh tế vùng và chức năng kinh tế và sinh thái từng vùng, mô hình tăng trưởng kinh tế vùng; xây dựng thêm nhiều hệ thống quản trị về tài nguyên, sinh thái, kinh tế, cũng như tổ chức hệ thống dịch vụ công theo vùng.
Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, kiểm soát chất lượng đầu vào, tăng cường hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm để có tính cạnh tranh cao; hình thành thương hiệu sản phẩm của vùng trên thị trường quốc tế; đem lại nguồn lợi hơn nữa cho chính người nông dân Tây Nguyên,
Khoa học xã hội Việt Nam, số 5 - 2018
thành phần dân cư cơ bản và lao động chủ yếu của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần giải quyết được vấn đề lao động và việc làm cho lực lượng lao động đang ngày càng tăng ở Tây Nguyên.
Thứ tư, xác định khoa học công nghệ là yếu tố nền tảng và động lực để thực hiện phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Các cấp chính quyền cần nhanh chóng ban hành và thực hiện các chính sách đầu tư trực tiếp từ phía Nhà nước, thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào công tác nâng cấp công nghệ, đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất trong chuỗi sản phẩm (từ cung cấp nguyên liệu đầu vào, bảo quản, vận chuyển, quảng bá thương hiệu, đến tiêu thụ và quản lý nguồn lực sản xuất). Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho nền kinh tế Tây Nguyên những cơ hội và thách thức mới nhằm phát triển kinh tế. Căn cứ vào thực tiễn sản xuất từng ngành, trình độ của từng đối tượng tham gia sản xuất tại từng địa phương cụ thể, các cấp chính quyền cần có những hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Thứ năm, gắn phát triển của Tây Nguyên với sự phát triển chung của cả nước. Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu quan trọng của đất nước, cung cấp cho nền kinh tế Việt Nam nhiều yếu tố đầu vào quan trọng, kể cả tài nguyên môi trường. Tây Nguyên cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp từ các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Điều này có nghĩa rằng sự suy kiệt tài nguyên, môi trường, sự suy kém sức mua từ khu vực Tây Nguyên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự lớn mạnh của các trung tâm công nghiệp trong cả nước. Do đó, cần có cơ chế chính sách kết nối sự tăng trưởng của khu vực Tây Nguyên với các vùng khác trong cả nước nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích phát triển vùng Tây Nguyên với các vùng miền trong cả nước.
Thứ sáu, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích từ hội nhập. Tây Nguyên cần xây dựng quy hoạch hội nhập quốc tế với các nội dung cụ thể, giới hạn rõ ràng; cần xác định rõ những địa điểm, mức độ khách du lịch quốc tế đến
Tây Nguyên, mời gọi các công ty đa quốc gia, các chuyên gia giỏi trong nước, quốc tế để phát triển doanh nghiệp địa phương, công nghiệp hỗ trợ; liên kết kinh doanh địa phương, cả nước và khu vực.
Thứ bảy, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tây Nguyên cần phát triển cân đối và hài hòa cả 5 trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và ổn định chính trị. Phát triển kinh tế gắn liền với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số); phát triển mạng lưới bảo trợ, an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người truyền thống; giảm thiểu sự phân hóa giàu - nghèo; rút ngắn sự cách biệt trong đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh.
Thứ tám, phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước được thể hiện qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc hiện đại; cho tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong xin cấp phép sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Kết luận
Hiện nay, đất nước ta đang có nhiều cơ hội phát triển, đồng thời đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chính sách bảo hộ mậu dịch, xu hướng hình thành thế giới đa cực, biến đổi khí hậu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là những cơ hội và thách thức lớn đối với Việt
Nam nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Trong bối cảnh đó, Tây Nguyên cần xác định được những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, từ đó có định hướng giải pháp phù hợp. Đó là chìa khoá để mở rộng thêm cánh cửa cho phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Duy Thụy (2017), “Phát biểu đề dẫn hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Nguyên.
[2] Bùi Quang Tuấn (2016), Tái cơ cấu kinh tế
Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Nguyễn Mại (2017), “Ba vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam”, http://vietnamfinance.vn/ba-vande-lon-cua-kinh-te-viet-nam-nam-201720170304115835689.htm, truy cập ngày 11/12/2017.
[4] https://thuonggiathitruong.vn/phat-trien-kinhte-vung-tay-nguyen-tranh-roi-vao-bay-loi-the/
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyenlam-an/item/35051902-kinh-te-xa-hoi-vungtay-nguyen-tiep-tuc-phat-trien-dat-nhieu-ketqua-tich-cuc.html