Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á

19-02-2020

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á

Năm 2019

Số 3 ;

Phòng 711, Tầng 7, Số 1, Liễu Giai, Ba Đình

1113/GP-BTTTT

http://viisas.vass.gov.vn

tcnc.andovachaua@gmail.com

Từ khi trở thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vào tháng 9/2016 đến nay, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã phát triển sâu, rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Hợp tác về văn hóa, giáo dục trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ. Bài viết sau đây tìm hiểu và cập nhật những phát triển mới trong hợp tác văn hóa - giáo dục giữa hai nước kể từ khi thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 9/2016 đến nay, qua đó đưa ra một số đánh giá và gợi ý nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên những lĩnh vực này.

Từ khóa: Ấn Độ, Việt Nam, Đối tác Chiến lược Toàn diện, văn hóa, giáo dục

 

 

  1. Điều kiện thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Ấn Độ và Việt Nam

Việt Nam và Ấn Độ có một số điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Thứ nhất, hai nước có sự giao lưu văn hóa – tôn giáo sâu đậm trong lịch sử, trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 vừa là hệ quả của quá trình giao lưu, hợp tác nhiều mặt lâu dài giữa hai nước, vừa là cơ sở để thúc đẩy hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ hai, về phía Việt Nam, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Chính phủ Việt Nam coi trọng ngoại giao văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ngày 14/02/2011, Thủ tướng Việt Nam phê duyệt “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020”, biến ngoại giao văn hóa trở thành trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có những thế mạnh trong hợp tác văn hóa. Hiện nay, Việt Nam có 17 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.[1] Việt Nam có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có những nơi được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long. Truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc, với nhiều lễ hội cùng với ẩm thực phong phú… biến Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút đối với khách ngoại quốc.

Thứ ba, về phía Ấn Độ, ngoại giao về văn hóa đã được xem là thành tố không thể thiếu trong ngoại giao quốc gia, thể hiện qua khái niệm “Vasudhaiva Kutumbakam” (Cả thế giới là một gia đình), bắt nguồn từ triết học Ấn Độ cổ chứa đựng trong Upanishad (800-600 TCN)[2]. Chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi thực hiện chiến lược ngoại giao sức mạnh mềm một cách có hệ thống và hiệu quả hơn trước. Bên cạnh đó, Ấn Độ có nguồn sức mạnh mềm phong phú và đáng tự hào như Bollywood, Yoga, Phật giáo và triết học. Ngoài ra, cộng đồng người Ấn hải ngoại đông đảo, giàu có và ngày càng tham gia vào các trung tâm chính trị, kinh tế của thế giới cũng là nguồn sức mạnh mềm lớn của Ấn Độ.

Thứ tư, về giáo dục, Ấn Độ và Việt Nam có điều kiện thuận lợi phát triển hợp tác giáo dục trên cơ sở thế mạnh của Ấn Độ và nhu cầu của Việt Nam. Ấn Độ hiện nay là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới với một mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế, môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở, chi phí thấp; thủ tục nhập học và xin visa đơn giản; bằng cấp ở Ấn Độ được các nước trên thế giới công nhận do vậy rất phù hợp với nhiều nước châu Á như Việt Nam. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam muốn tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục để có một nguồn nhân lực chất lượng cao và Ấn Độ là một trong những quốc gia mà Việt Nam hướng đến.

 

  1. Những phát triển mới trong hợp tác văn hóa, giáo dục Việt Nam - Ấn Độ từ khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến nay

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi tháng 9/2016 bên cạnh ý nghĩa chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng còn mang đậm nét văn hóa. Mặc dù lịch công tác bận rộn, Thủ tướng Modi vẫn dành thời gian đến thăm Chùa Quán Sứ, gợi đến những tiếp xúc về văn hóa, tôn giáo giữa Việt Nam và Ấn Độ từ hơn 2000 năm trước. Tại đây, Thủ tướng Ấn Độ đã có buổi giao lưu với 40 vị tăng, ni đã từng học tập tại Ấn Độ. Thủ tướng khẳng định “Phật giáo đến Việt Nam từ Ấn Độ và những di tích của các ngôi đền Chăm Hindu ở Việt Nam là minh chứng cho sự kết nối này. Đối với những người thuộc thế hệ tôi, Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong trái tim. Sự dũng cảm của người Việt trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ nền cai trị thực dân thực sự khơi nguồn cảm hứng cho chúng tôi…”[3]

Trong chuyến thăm này, Lãnh đạo Ấn Độ cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục. Ấn Độ đã nâng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố dành thêm 2 suất học bổng về Phật học cho du học sinh Việt Nam từ năm 2017[4]. Ấn Độ cam kết hỗ trợ kinh phí 5 triệu USD cho Việt Nam để xây dựng Công viên phần mềm ở Đại học Viễn thông Nha Trang; hỗ trợ trùng tu di tích Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam.[5].

Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi đã lấy năm 2017 là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam (7/1/1972 - 7/1/2017), 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (6/7/2007 - 6/7/2017).Vì vậy, trong năm 2017, rất nhiều sự kiện đã được tổ chức ở hai nước. Những ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai đã được tổ chức từ ngày 16-19/03/2017 bởi Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tại Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên, chùa Thiên Ân (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với đông đảo người Việt[6]. Bên cạnh đó, việc tổ chức “Ngày Yoga Quốc tế” hàng năm tại Việt Nam vào 21/6 (kể từ năm 2015) cũng là một hoạt động văn hóa sôi nổi của hai nước. Trong lần tổ chức thứ 4 vào năm 2018, sự kiện này đã có khoảng 1200 người tham dự tại Hà Nội, 600-800 người tham dự tại các tỉnh khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…[7]

Những phát triển mới nhất, đáng kể nhất trong hợp tác văn hóa – giáo dục Việt Nam - Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đến nay là việc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi được chính thức thiết lập và đi vào hoạt động hiệu quả.

Trung tâm Văn hóa Ấn Độ được thiết lập vào tháng 9/2017 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi và được khai trương vào ngày 21/4/2017. Hiện nay, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, có trụ sở tại Số 63, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ khi chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm đã cung cấp nhiều khóa học về Yoga, tiếng Hindi, tiếng Anh, múa Ấn Độ… Trung tâm cũng tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa như chiếu phim, lễ hội… nhằm giới thiệu đến người Việt nền văn hóa phong phú giàu bản sắc của Ấn Độ. Một số lễ hội tiêu biểu như “Lễ hội Ganesha 2018” (15/9/2018) thu hút sự tham gia của gần 300 người với những hoạt động về ẩm thực, âm nhạc, trang trí xoay quanh chủ đề vị thần Ganesha[8]. Gần đây nhất, Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tổ chức tọa đàm khoa học “Di sản Vĩnh cửu của Mahatma Gandhi và ý nghĩa của nó trong thế giới đương đại” và Lễ Tặng Sách cho Thư viện của Viện (9/10/2018); tổ chức chiếu phim “Gandhi”nhân dịp kỷ niệm 150 ngày sinh Mahatma Gandhi.

Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam cũng đã được thiết lập tại Ấn Độ nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ngày 4-6 tháng 3/2018. Trung tâm đã tổ chức lễ khai trương và chính thức đi vào hoạt động ngày 15/5/2018. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều sự kiện như: Lễ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đối thoại Thanh niên Ấn Độ - Việt Nam, chiếu phim Ấn Độ - Việt Nam, Hội thảo Quốc tế “Thúc đẩy Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” ngày 26-27 tháng 7/2018.

Ngoài ra, thực hiện nội dung Tuyên bố chung được ký kết nhân chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ấn Độ đã cung cấp gói tín dụng nhằm phục hồi và tôn tạo Tháp Hoa Lai và Tháp Chăm Po Klong Garai và viện trợ không hoàn lại cho cộng đồng người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, Đại sứ quán Ấn Độ đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và và Phú Thọ tổ chức từ thiện Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti (BMVSS) cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và “chân giả Jaipur” miễn phí cho hơn 500 bệnh nhân tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số địa phương khác trong tháng 7 và tháng 8/2018. Chân giả Jaipur là loại chân giả được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Dự án là biểu tượng quan trọng của tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.

Về giáo dục, Chính phủ Ấn Độ đã và đang cấp nhiều chương trình học bổng thường niên cho công dân Việt Nam, tiêu biểu như các chương trình Hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ITEC) 150 suất; Chương trình văn hóa chung (General Cultural Scholarship Scheme - GCSS) 6 suất; Chương trình Trao đổi Giáo dục (EEP) 14 suất; 15 suất học bổng cho cán bộ ngoại giao của Việt Nam học tập tại Học viện Ngoại thương Ấn Độ, New Delhi; 25 suất học bổng cho sinh viên Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Việt Nam học tập tại Học viện Quản lý Ấn Độ, Bangalore[9]; 10 suất học bổng của Chương trình Học bổng Hợp tác Mekong - sông Hằng (MGCSS) đặc biệt là các dự án thuộc Quỹ dự án tác động nhanh và 02 suất học tiếng Hindi thuộc Đề án Phổ biến Tiếng Hindi ở nước ngoài[10]. Trong khoảng 2 năm (2016-2018), có khoảng 400 sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có sinh viên đến Ấn Độ du học tự túc. Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Ấn Độ dành từ 20-30 suất học bổng cho học viên sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 300 sĩ quan Việt Nam tham dự các khóa học kỹ thuật, chỉ huy - tham mưu, tiếng Anh, tin học tại Ấn Độ[11]. Sau khi tốt nghiệp, những cán bộ này trở về công tác tại các học viện, trường, đơn vị, cơ quan tham mưu về chiến dịch - chiến lược của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn cử nhiều giảng viên sang trực tiếp giảng dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin tại các trường, học viện của Quân đội Việt Nam.

Để nâng cao hiểu biết của phía Việt Nam về hệ thống giáo dục Ấn Độ, ngày 19-20 tháng 3/2018, Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức “Hội thảo Kết nối và Hội chợ Giáo dục” (Networking Seminar and Education Fair) tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 20 trường đại học Ấn Độ, bao gồm những trường uy tín như Đại học Ashoka ở Sonipat, Đại học VIT ở Vellore, Đại học Christ ở Bangalore, Đại học  KIIT ở Odisha… và đại diện của nhiều trường đại học uy tín của Việt Nam như Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao...

Về phía Việt Nam, mặc dù chưa thể cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Ấn Độ nhưng Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành Ấn Độ học và các hoạt động nghiên cứu về Ấn Độ. Bộ môn Ấn Độ học tại Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thu hút số lượng lớn sinh viên theo học. Nhiều hội thảo về Ấn Độ cũng được tổ chức tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam. Ngày 2/10/2017, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức hội thảo “Gandhiji: Vị thánh đến từ Gujarat”, và Lễ ra sách “Tinh túy Hindu giáo” phiên bản tiếng Việt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 148 ngày sinh Mahatma Gandhi và Ngày Quốc tế Bất Bạo Động[12]. Ngày 24/08/2018, Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.  Ngày 20/9/2018, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Sự trỗi dậy của Ấn Độ và những tác động đến kiến trúc an ninh khu vực”.

 

  1. Một số nhận xét về hợp tác văn hóa – giáo dục Việt Nam - Ấn Độ hiện nay

Hợp tác văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những phát triển mới từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016. Về văn hóa, hai nước đã tận dụng nhiều cơ hội phát triển thể hiện qua hoạt động trao đổi văn hóa song phương diễn ra với tần suất dày đặc. Trung tâm Văn hóa Swami Vivekanada đã hoạt động tích cực và hiệu quả trong hơn một năm qua, giúp đưa văn hóa Ấn Độ đến với đông đảo người Việt và dần thay đổi nhận thức của người Việt về Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu Việt nam tại Ấn Độ, bên cạnh hoạt động học thuật cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, giúp nâng cao sự hiểu biết của Ấn Độ về Việt Nam. Hợp tác văn hóa Việt Nam - Ấn Độ là một phần trong chiến lược thúc đẩy hợp tác văn hóa Ấn Độ - ASEAN. Như được khẳng định bởi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Sushma Swaraj, “Thương mại, Kết nối và Văn hóa” (3 C: Commerce, Connectivity, Culture) là những trụ cột quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN[13].

Hợp tác về giáo dục cũng là lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á nhận được nhiều học bổng nhất từ Chính phủ Ấn Độ[14]. Việc đào tạo về Ấn Độ học tại Việt Nam cũng ngày càng được chú trọng trong các trường đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn những hạn chế nhất định. Về văn hóa, mặc dù đã có những thay đổi nhất định trong nhận thức của hai phía, sự hiểu biết về văn hóa của nhau vẫn chưa đủ lớn để vượt qua những thành kiến văn hóa đã có trước đó. Nhiều người Việt vẫn còn những thành kiến về Ấn Độ như là một đất nước phân biện đối xử với phụ nữ, chế độ đẳng cấp khắc nghiệt… Nhiều người Việt chưa thấy được sức hút, sức hấp dẫn từ văn hóa Ấn Độ. Ngược lại, sự hiểu biết của người Ấn Độ về đất nước con người Việt Nam cũng chưa nhiều. Về giáo dục, số lượng sinh viên Việt Nam đã tăng lên trong những năm qua, nhưng vẫn chưa được như sự kỳ vọng của hai nước. Hiện nay, số lượng sinh viên Việt Nam tại Ấn Độ còn khiêm tốn, khoảng 500 người[15]. Một trong những nguyên nhân cản trở hợp tác giáo dục giữa hai nước là điều kiện sống và học tập tại Ấn Độ còn khó khăn, sự khác biệt về văn hóa, cơ sở hạ tầng của các trường tại Ấn Độ chưa được đồng bộ tại mỗi bang, nhiều sinh viên Việt Nam chưa vượt qua được những lo lắng về vấn đề an ninh ở Ấn Độ nên còn băn khoăn khi lựa chọn học tập tại Ấn Độ.

 

  1. Một số gợi ý thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Ấn Độ và Việt Nam trong những năm tới

Thứ nhất, Chính phủ hai nước nên xem hợp tác văn hóa – giáo dục là nền tảng quan trọng cho hợp tác trên những lĩnh vực khác, có khả năng thay đổi chất lượng của mối quan hệ trong dài hạn. Chính phủ Ấn Độ nên mở thêm các Trung tâm văn hóa Ấn Độ tại khu vực miền Trung và miền Nam, hoặc tại các tỉnh thành lớn trong cả nước. Những trung tâm này sẽ giúp cung cấp thông tin về Ấn Độ tại các địa phương. Đồng thời, những trung tâm này cũng cần thực hiện chức năng tư vấn du học, giúp thay đổi nhận thức của người Việt Nam về du học tại Ấn Độ.

Thứ hai, Ấn Độ cũng nên mở thêm nhiều trường tại Việt Nam theo mô hình các trường Hoa Sen, APTECH, NIIT An Giang vừa để tiết kiệm chi phí cũng như để có thể quản lý được học sinh sinh viên mà vẫn tận dụng được chất xám và ngôn ngữ trong những lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như: công nghệ thông tin, tiếng Anh, y học, dược phẩm, gien di truyền, hạt nhân…

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam nên mở thêm Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ tại các khu vực phía Nam và phía Đông Bắc Ấn Độ. Những trung tâm này sẽ giúp thúc đẩy sự hiểu biết của Ấn Độ về Việt Nam và hợp tác văn hóa – giáo dục Việt Nam - Ấn Độ. Chính phủ Việt Nam cũng nên dành một số suất học bổng về ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam cho sinh viên Ấn Độ trong chiến lược dài hạn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

 

Kết luận

Sau hơn 2 năm kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hợp tác văn hóa và giáo dục giữa hai nước đã có những bước phát triển mới. Hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Ấn Độ đã diễn ra thường xuyên hơn trong giai đoạn này. Việt Nam và Ấn Độ cần tiếp tục nỗ lực phối hợp thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa – giáo dục để vượt qua những rào cản còn tồn tại. Hợp tác song phương về văn hóa và giáo dục giữa hai nước có triển vọng tươi sáng trong bối cảnh Ấn Độ triển khai chính sách ngoại giao sức mạnh mềm và Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế. Nếu được triển khai tốt, văn hóa – giáo dục có thể trở thành “vũ khí” mạnh mẽ thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trong những năm tới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. VOV (2018), Những di sản Việt Nam được UNESCO công nhận, http://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/nhung-di-san-viet-nam-duoc-unesco-cong-nhan-326670.vov, ngày truy cập 22/10/2018;
  2. Thomas Egenes - Kumuda Reddy (2002), Eternal Stories from the Upanishads, Publisher Smriti Books, pg.4;
  3. Pmindia (2018), Press Statement by Prime Minister during his visit to Vietnam, http://www.pmindia.gov.in/en/news_updates/press-statement-by-prime-minister-during-his-visit-to-vietnam/, ngày truy cập 3/10/2018;
  4. Phỏng vấn Bà Nina Tshering La, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ngày 2/10/2018;
  5. VGP News, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Việt Nam, http://baochinhphu.vn/Thoi-su-ASEAN/Thu-tuong-An-Do-Narendra-Modi-tham-Viet-Nam/285329.vgp, ngày truy cập 3/10/2018;
  6. Tin Tức, Khai mạc Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai năm 2017, https://baotintuc.vn/thoi-su/khai-mac-ngay-van-hoa-phat-giao-an-do-tai-viet-nam-lan-thu-hai-nam-2017-20170316210124081.htm, ngày truy cập 3/10/2018;
  7. Người Lao động, 1.200 người đồng diễn bài Giao thức Yoga, https://nld.com.vn/the-thao/1200-nguoi-dong-dien-bai-giao-thuc-yoga-20180611231910958.htm, ngày truy cập 3/11/2018;
  8. Indian Embassy in Hanoi, Celebration of Ganesha Festival 2018 at SVCC, Hanoi, https://www.indembassyhanoi.gov.in/photo_gallery_detail.php?id=138, ngày truy cập 3/10/2018;
  9. Báo Điện tử Dân Trí, Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, https://dantri.com.vn/xa-hoi/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-an-do-20160903201752868.htm, ngày truy cập 30/09/2018;
  10. Embassy of India, http://www.indembassyhanoi.gov.in/schlorshipdetails.php?id=4zc, ngày truy cập 26/09/2018;
  11.  Vũ Văn Khanh (2018), Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Sự trỗi dậy của Ấn Độ và những tác động đến kiến trúc an ninh khu vực”, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, tr.161-166, Hà Nội;
  12. Báo Mới, Hội thảo về M.K Gandhi - “Linh hồn vĩ đại” của người dân Ấn Độ, https://baomoi.com/hoi-thao-ve-m-k-gandhi-linh-hon-vi-dai-cua-nguoi-dan-an-do/c/23436022.epi, ngày truy cập 2/10/2018;
  13. Lao động Thủ đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ dự hội nghị cấp cao, http://laodongthudo.vn/preview_article/ff3b5fa70176e7bd31659c5b6cd988be/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-toi-an-do-du-hoi-nghi-cap-cao-67597.html, ngày truy cập 27/09/2018;
  14. Institute for Indian and Southwest Asian Studies, Vietnam - India cultural cooperation in the context of global integration, http://en.viisas.vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/Pages/nghien-cuu.aspx?ItemID=11, ngày truy cập 30/09/2018;
  15. Quân đội Nhân dân, Hội thảo kết nối giáo dục giữa các trường đại học Ấn Độ và Việt Nam, 19/3/2018, qdnd.vn, ngày truy cập 28/10/2018.

 

 

 

 


[1] VOV (2018).

** hongquang1711@outlook.com

[2] Thomas Egenes - Kumuda Reddy (2002), p.4.

[3] Pmindia (2018).

[4] Phỏng vấn Bà Nina Tshering La, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ngày 2/10/2018.

[5] VGP News (2018).

[6] Tin Tức (2017).

[7] Người Lao động (2018).

[8] Indian Embassy in Hanoi (2018).

[9] Dân Trí (2018).

[10] Embassy of India (2018).

[11] Vũ Văn Khanh (2018), Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Sự trỗi dậy của Ấn Độ và những tác động đến kiến trúc an ninh khu vực”, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Hà Nội, tr.161-166.

[12] Báo Mới (2018).

[13] Lao động Thủ đô (2018).

[14] Institute for Indian and Southwest Asian Studies (2018).  

[15] Quân đội Nhân dân (2018).